kinh thu lang nghiem - Quyển 09 Phần 03

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM

QUYỂN 9 – PHẦN 3

— o0o —

TUYÊN HÓA THUỢNG NHÂN
giảng thuật

— 0O0 —

Năm Mươi Ấm

Kinh Văn: Tức thời Như lai tương bãi pháp tòa. Ư sư tử sàng, lãm thất bảo kỷ, hồi tử kim sơn, tái lai bằng ỷ, phổ cáo đại chúng, cập A-nan ngôn: Nhữ đẳng hữu học Duyên giác Thanh văn , kim nhật hồi tâm thú đại bồ-đề vô thượng diệu giác. Ngô kim dĩ thuyết chân tu hành pháp.

Việt dịch: Lúc bấy giờ Đức Như Lai sắp rời pháp tòa. Từ tòa sư tử, ngài vin chiếc ghế bảy báu, xoay thân hình như sắc núi vàng tía, rồi lại tựa lưng vào ghế, bảo đại chúng cùng A-nan rằng: Các ông là hàng Thanh văn , Duyên giác hữu học, ngày nay hồi tâm hướng về Vô thượng bồ-đề . Như Lai đã dạy pháp tu chơn chánh cho các ông rồi.

Giảng: Lúc bấy giờ Đức Như Lai sắp rời pháp tòa: là khi Đức Phật giảng gần xong hội Kinh Thủ-lăng-nghiêm.

Từ tòa sư tử, ngài vin ghế bảy báu. Đức Phật đang ngồi trên pháp tòa, tức tòa sư tử. Pháp âm của Như Lai ví như tiếng gầm của sư tử. Khi sư tử gầm lên, tất cả các loài thú đều sợ hãi. Nên chỗ Như Lai ngồi giảng pháp được gọi là tòa sư tử. Chiếc ghế mà Như Lai ngồi được làm bằng bảy thứ báu để trang nghiêm.

Như Lai xoay thân hình như sắc núi vàng tía, rồi lại tựa lưng vào ghế. Thân của Đức Phật như núi bằng vàng tía, ánh sáng rực chiếu khắp mọi nơi, bảo khắp đại chúng cùng A-nan rằng: các ông là hăng Thanh văn, Duyên giác hữu học. Trước khi đạt được bốn quả vị dành cho hàng A-la-hán , họ vẫn được coi là hàng hữu học.

Thanh văn là những vị được giác ngộ do tu tập pháp “Tứ diệu đế.” Duyên giác là những vị được giác ngộ do tu tập pháp “mười hai nhân duyên.” Nay hồi tâm hướng về Vô thượng bồ-đề. A-nan và hàng Thanh văn bây giờ đã hồi tâm, từ quả vị Tiểu thừa hướng về Đại thừa. A-nan cùng hàng Nhị thừa đã phát tâm cầu Vô thượng bồ-đề, không có gì để sánh với sự giác ngộ nhiệm mầu này.

Như Lai đã chỉ dạy pháp tu chân chính cho các ông rồi. Đức Phật đã chỉ dạy rõ ràng phương pháp tu hành chơn chánh cho các vị rồi.

 

Kinh Văn: Nhữ do vị thức tu xa-ma-tha , tì-bà-xá-na vi tế ma sự. Ma cảnh hiện tiền, nhữ bất năng thức. Tẩy tâm phi chính, lạc ư tà kiến.

Việt dịch: Do các ông vẫn còn chưa biết những ma sự nhỏ nhiệm xảy ra lúc tu chỉ và quán . Nếu các ông không nhận ra ma cảnh khi nó hiện ra là do việc thanh tịnh tâm ý của ông không đúng với pháp chân thật, nên bị rơi vào tà kiến.

Giảng: Nhưng các ông vẫn còn chưa biết những ma sự nhỏ nhiệm sẽ xảy ra khi tu tập chỉ quán .

Trước đây A-nan đã thưa thỉnh xin Đức Phật chỉ dạy cách thức tu hành. Ngài đã vì chúng sanh trong đời vị lai mà thỉnh cầu giáo pháp.

Dù bây giờ Ngài A-nan đã hiểu được đạo lý tu hành rồi nhưng vẫn chưa có kinh nghiệm tu tập. Ngài đã hiểu được lý thuyết, nhưng do thiếu kinh nghiệm, nên Ngài không biết được những gì xảy ra trong khi hành trì nên Đức Phật mới chỉ dạy như vậy. Tu chỉ tức là tu tập Thủ-lăng-nghiêm đại định. Tu quán là một pháp quán chiếu rất vi mật. Các ma sự nhỏ nhiệm sẽ xuất hiện vào lúc này. Trong tiến trình tu tập, rất nhiều ma cảnh sẽ hiện ra. Không phải hiện tượng nào cũng hiển bày rõ ràng, nhưng chúng rất vi tế.

Nếu các ông không nhận ra ma cảnh khi nó hiện ra. Khi các ông công phu theo phương pháp phản văn văn tự tánh (hướng tánh nghe vào bên trong để nhận ra tự tánh vốn có của mình) thì ma cảnh sẽ xuất hiện. Nếu các ông không nhận ra ma và không biết ma là gì, là do việc thanh tịnh tâm ý của ông không đúng với pháp chân thật.

Vì ông đã tự thanh tịnh tâm ý mình, nhưng có hơi sai lệch, không phù hợp với chánh tri kiến. Do đó bị rơi vào tà kiến. Nếu chánh tri kiến của các ông không được chân chánh (không đúng với chánh pháp) thì các ông sẽ bị dính mắc vào các ma cảnh.

 

Kinh Văn: Hoặc nhữ ấm ma, hoặc phục thiên ma. Hoặc trước quỷ thần, hoặc tao quỷ mị. Tâm trung bất minh, nhận tặc vi tử.

Việt dịch: Ông sẽ bị quấy nhiễu bởi một loài ma từ ngũ ấm của ông. Hoặc là thiên ma, hoặc bị dính mắc bởi quỷ thần, hoặc gặp loài ly, mỵ. Nếu tâm ông không sáng suốt, ông sẽ nhận lầm kẻ giặc làm con mình.

Giảng: Ông sẽ bị quấy nhiễu bởi một loài ma từ ngũ ấm của ông.

Đó là một loại ma phát sinh từ chính tâm thức của mình. Hay là một trong mười loại ma phát sinh từ sắc ấm, cũng là do từ tâm ông mà có.

Hoặc là thiên ma. Tại sao một loại ma từ trên trời lại đến quấy phá ông được? Là vì ông tu mà nhắm tới mục đích để đạt được định lực.

Đạt được chút định lực trong khi tu tập chẳng phải là điều quan trọng, nhưng có thể làm cho cung điện của Ma vương rúng động giống như qua một cơn động đất. Vì Ma vương có được thần thông, nên ngay khi cung điện của nó bị rúng động, nó liền tìm hiểu “tại sao cung điện của ta bỗng nhiên rúng động.” Nó khám phá ra ai đó nơi thế gian sắp sửa thành tựu đạo nghiệp. Định lực của người ấy sẽ phá nát cung điện của nó, Thiên ma mới suy nghĩ: “Ông muốn phá hủy cung điện của tôi, thì tôi sẽ làm tiêu hủy định lực của ông trước.” Thế là nó đến phá hoại định lực của người đang tu hành.

Hoặc bị dính mắc bởi quỷ thần: Khi quỷ thần thấy ông sắp đạt được kết quả tu tập, nó ghen tức, nó nghĩ: “Ồ! vậy là ông sắp chứng đạo.” Nên trước hết nó đến phá hủy công phu tu tập của ông. Thế là nó nhập vào tâm thức ông hay chiếm đoạt thân xác ông, khiến cho định lực của ông không thể hoàn mãn.

Nó làm cho ông sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” và lệ thuộc vào nó. Từ trước tôi đã giảng về việc bị dính mắc vào quỉ thần rồi phải không? Điều đó rất quan trọng. Tại sao ông lại trở thành vật sở hữu của ma? Vì Việc thanh tịnh tâm ý của ông không chân chánh, không đúng với chánh pháp và bởi vì động cơ không chơn chính, dù chỉ một niệm tà ý nhỏ nhoi, ông cũng sẽ bị dính mắc với quỉ thần. Điều đó được gọi là “tẩu hỏa nhập ma” vậy.

Hoặc gặp loài ly mị. Hoặc là vọng lượng. Các loại ma này đều là những loại yêu quái. Nếu tâm ông không sáng suốt. Ông sẽ nhận lầm kẻ giặc làm con. Nếu ông gặp dạng ma này mà không nhận ra hoặc không hiểu gì về nó thì ông sẽ đi đến chỗ “nhận giặc làm con mình.” Hãy suy nghĩ kỹ về điều này. Để nó khỏi đánh cắp tài sản của mình. Nếu mình để cho kẻ trộm vào nhà, thì những thứ tài sản quý báu trong nhà đều bị nó lấy sạch.

Cái gì là tài sản quí báu nhất trong nhà mình?

Tôi sẽ nói một cách chân thành mộc mạc để cho các ông phải nhớ thật kỹ điều này, các ông phải tin lời tôi nói. Bất cứ ông làm điều gì, cũng đừng có quên lời tôi nói mà bỏ qua. Sao vậy? Vì đây là điều quan trọng đối với tương lai và sinh mệnh của chính ông.

Cái gì là kho tàng quý giá của chính mình? Đó là kho tàng Chân tánh Như Lai vốn sẵn có nơi ông. Tánh Như Lai tạng ấy, ông để mất được hay sao? Các ông không nhớ tôi đã từng nói đến bản chất, năng lực cùng tinh thần của Như Lai tạng ở trước rồi hay sao? Nếu ông muốn khôi phục lại Như Lai tạng của chính mình, trước hết ông phải bảo trì tâm tánh, khí chất và tinh thần (tinh, khí, thần) của mình. Nếu ông không chăm sóc bảo dưỡng chu đáo ba yếu tố này, thế là ông để cho tài sản của mình bị cướp đoạt. Hãy hết sức cẩn trọng.

 

Kinh Văn: Hựu phục ư trung đắc tiểu vi túc. Như đệ tứ thiền Vô Văn tỉ-khưu vọng ngôn chứng thánh. Thiên báo dĩ tất, suy tướng hiện tiền, báng A-la-hán , thân tao hậu hữu. Đọa a-tì ngục.

Việt dịch: Lại nữa, do trong khi tu tập, cảm thấy hài lòng, thỏa mãn khi có chút ít thành quả. Như tỷ-khưu Vô Văn , đã đạt được Tứ thiền, vọng ngôn cho rằng mình đã chứng Thánh. Khi phước báo ở cõi trời hết, tướng suy xuất hiện, nên phỉ báng rằng chứng quả a-la-hán còn phải chịu sanh tử. Ông liền đoạ vào địa ngục a-tỳ.

Giảng: Lại nữa do trong khi tu tập, cảm thấy hài lòng thỏa mãn khi có chút ít thành quả.

Trong khi tu tập, dù nếu ông không bị dính mắc với quỷ thần, ông cũng phải cần có trí tuệ chân chính và có con mắt trạch pháp nhãn. Trạch là sự tuyển chọn, pháp là Phật pháp, nhãn là con mắt của chính mình. Nếu ông nhận ra được Phật pháp, thì tự ông sẽ biết mình tu tập đến trình độ nào. Đừng tự thấy mình có chút ít hiểu biết đạo lý rồi cảm thấy thỏa mãn.

Như tỷ-khưu Vô Văn , đạt đến Tứ thiền , vọng ngôn cho rằng mình đã chứng thánh.

Gọi là tỷ-khưu Vô Văn vì ông ta không hiểu biết nhiều. Ông ta chỉ biết chút ít Phật pháp. Tại sao lại gọi ông ta là Vô Văn. Căn bản là khi chứng được bốn quả vị a-la-hán thì được sanh lên cõi trời Tứ thiền. Đức Phật dạy: vị nào chứng được tứ quả a-la-hán thì không còn chịu sanh tử luân hồi nữa. Khi chứng được quả vị thứ hai được gọi là Nhất lai, phải còn thọ sanh một lần trên cõi trời và một lần trở lại trong cõi người. Còn phải trải qua một lần sinh tử nữa. Vị Thánh đạt quả vị thứ nhất (trong bốn quả vị a-la-hán) còn phải chịu trải qua bảy lần sanh tử. Tất cả những cảnh giới này đều vượt hơn cõi trời Tứ thiền.

Vô Văn tỷ-khưu chỉ mới đạt đến cảnh giới Thiền thứ tư trong quá trình tu tập của ông thôi, nhưng ông ta tưởng rằng ông đã chứng được quả vị thứ tư của a-la-hán. Thực ra ở trình độ cảnh giới Thiền thứ tư, vẫn chưa chứng được quả vị gì, và vẫn còn là phàm phu (vì chỉ có định lực mà chưa phát huệ).

Nhưng tỷ-khưu Vô Văn tuyên bố rằng ông ta đã chứng được quả vị thứ tư của hàng a-la-hán. Thế mà hiện nay vẫn có người cho rằng quả vị thứ tư của hàng a-la-hán vẫn còn thấp so với họ. Họ trơ tráo tuyên bố rằng chính họ là Phật. Nhưng một Đức Phật thì có đủ tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông. Quý vị có thể hỏi những người tự tuyên bố mình là Phật xem họ có được mấy món thần thông. Chắc chắn là thiếu lậu tận thông. Tôi tin chắc những người tự cho rằng mình là Phật thì chẳng có được dù chỉ là một món thần thông, chứ đừng nói năm hoặc sáu. Chỉ có những người không có thần thông mới muốn khoe mình là Phật. Những người quả thật chỉ có dù một món thần thông, họ sẽ không bao giờ dám đưa ra lời đại vọng ngôn như thế.

Khi phước báo cõi trời hết. Khi đời sống của họ ở cõi trời kết thúc, và những tướng suy xuất hiện. Các ông có nhớ năm tướng suy xuất hiện không? Các ông có nhớ năm tướng suy tôi đã giảng phần trước không? Khi đời sống của một chúng sanh ở cõi trời kết thúc và sắp mạng chung, thì có năm dấu hiệu xuất hiện, gọi là năm tướng suy: một là vòng hoa trên đầu (vương miện) héo rũ, hai là áo quần trở nên dơ bẩn, ba là ở nách thoát ra mồ hôi, bốn là thân thể trở nên hôi thối dơ bẩn, năm là không thích ngồi lâu.

Ông ta phỉ báng rằng chứng quả a-la-hán còn phải chịu sanh tử. Ông liền đoạ vào địa ngục a-tỳ.

Khi phước báo ở cõi trời sắp hết, năm tướng suy sẽ xuất hiện, báo hiệu cuộc sống ở cõi trời đã đến lúc chấm dứt. Tỷ-khưu Vô Văn nổi giận. Ông ta tức giận điều gì? Ông ta nghĩ: “Ta đã bị Phật lừa dối, Đức Phật là một kẻ bịp bợm. Đức Phật nói rằng người nào chứng được tứ quả a-la-hán thì không còn phải kinh qua sinh tử luân hồi nữa. Tại sao cuộc sống của tôi lại sắp kết thúc? Tại sao tôi phải chịu tái sinh? Tại sao tôi phải chịu luân hồi? Tại sao tôi phải chịu sinh ra một lần nữa? Đức Phật là một kẻ nói dối.” Chúng ta biết ngay điều gì xảy ra khi ông phỉ báng Đức Phật như thế. Ông ta đọa ngay vào địa ngục A-tì.

Địa ngục A-tì còn gọi là địa ngục vô gián. Vốn là do không chứng được quả vị a-la-hán, mà tuyên bố đã chứng được, nên khi hưởng phước báo ở cõi trời xong, khi chấm dứt mạng sống ở đó, liền rơi vào cảnh giới thấp kém hơn. Ông ta không nhận ra lỗi lầm của mình mà còn cho rằng Đức Phật giảng pháp không đúng. Thực sự Đức Phật đã nói rằng: “Ông chưa chứng được quả vị thứ tư của hàng a-la-hán. Nếu ông đã chứng được, ông chẳng còn sinh tử luân hồi nữa.”

Tại sao lại có năm tướng suy hiện ra? Vì hủy báng Đức Phật. Do vậy, Vô Văn tỷ-khưu liền rơi vào địa ngục vô gián.

Các ông có thể tưởng tượng được những người tự tuyên bố mình là Phật sẽ đi về đâu. Tôi không biết rồi họ sẽ kết thúc sinh mạng ở nơi nào nữa?

 

Kinh Văn: Nhữ ưng đế thính, ngô kim vị nhữ, tử tế phân biệt.

Việt dịch: Các ông nên lắng nghe kỹ. Như Lai sẽ giảng giải chi tiết cho các ông.

Giảng: Các ông nên lắng nghe kỹ. A-nan, ông nên đặc biệt lưu ý, hãy lắng nghe cho kỹ. Như Lai sẽ giảng giải chi tiết cho các ông,giảng giải cho A-nan cùng đại chúng tường tận từng chi tiết. Vậy nên đừng có thất vọng, đừng sanh tâm cô phụ.

 

Kinh Văn: A-nan khởi lập, tịnh kì hội trung, đồng hữu học giả, hoan hỉ đảnh lễ, phục thính từ hối.

Việt dịch: A-nan đứng dậy, cùng hàng hữu học trong chúng hội vui mừng đảnh lễ, im lặng lắng nghe lời chỉ dạy từ bi của Đức Phật.

Giảng: A-nan đứng dậy, cùng hàng hữu học trong chúng hội. Đó là các vị Bồ-tát, các vị Đại a-la-hán, các vị Đại tỷ-khưu, các vị hữu học, những người đã chứng được sơ quả, đệ nhị, và đệ tam quả A-la-hán.

Vui mừng đảnh lễ. Vì Đức Phật sắp sửa giảng giải vấn đề rất chi tiết, nên mọi người đều hớn hở. Cùng nhau vui mừng đảnh lễ Đức Phật. Họ tự nhiếp phục tâm ý của mình, im lặng lắng nghe lời chỉ dạy từ bi của Đức Phật. Không để cho một niệm tưởng lăng xăng nào dấy khởi. Như vậy mới có thể lắng nghe với sự chú tâm trọn vẹn giáo pháp mà Đức Phật sắp chỉ dạy.

 

Kinh Văn: Phật cáo A-nan cập chư đại chúng: Nhữ đẳng đương tri, hữu lậu thế giới thập nhị loại sanh, bản giác diệu minh, giác viên tâm thể, dữ thập phương Phật, vô nhị vô biệt.

Việt dịch: Đức Phật bảo ngài A-nan và mọi người trong chúng hội: Các ông nên biết, mười hai loại chúng sanh trong thế giới hữu lậu đều vốn có bản tâm sáng suốt nhiệm mầu, là tâm thể giác ngộ trọn vẹn, không khác tâm thể mười phương chư Phật.

Giảng: Đức Phật bảo ngài A-nan và mọi người trong chúng hội. Tất cả các ông nên biết mười hai loài chúng sinh trong thế giới hữu lậu đều vốn có bản tâm sáng suốt nhiệm mầu, là tánh giác sẵn có xưa nay, là chân tâm vốn sáng suốt, nhiệm mầu là tâm thể giác ngộ hoàn toàn, không khác tâm thể mười phương chư Phật. Hoàn toàn giống nhau, chẳng khác chút nào. Chư Phật mười phương cũng có bản tâm sáng suốt nhiệm mầu ấy, và trong mười hai loại chúng sanh cũng thừa hưởng được tâm thể hoàn toàn giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu (bản giác diệu minh–giác viên tâm thể) và còn được gọi là Tánh Như Lai tạng .

 

Kinh Văn: Do nhữ vọng tưởng, mê lí vi cữu, si ái phát sanh, sanh phát biến mê, cố hữu không tính. Hóa mê bất tức, hữu thế giới sanh. Tắc thử thập phương vi trần quốc độ phi vô lậu giả, giai thị mê ngoan vọng tưởng an lập.

Việt dịch: Do ông vọng tưởng, mê mờ chân lý nên phát sinh si ái, khiến gây ra mê lầm cùng khắp, nên có hư không. Cái mê biến hóa không dừng nên có thế giới. Do vậy, các cõi nước nhiều như vi trần trong mười phương chẳng phải là vô lậu, đều dựng lập nên từ mê muội, vọng tưởng.

Giảng: Do ông vọng tưởng, mê mờ chân lý. Này A-nan, tự tánh của ông và tự tánh của mười hai loại chúng sinh cùng với chư Phật chẳng khác. Là một, là như nhau. Tuy nhiên, nương nơi chân mà ông dấy khởi vọng tưởng sai lầm, trở nên mê muội chân lý. Mê lầm sai trái từ đó phát sinh.

Nên si ái phát sinh.

Lỗi lầm lớn nhất là gì? Là si và ái. Có thể nói si và ái là hai thứ, cũng có thể gom nó lại thành một thứ: si ái. Vô minh che lấp mọi hiểu biết, chỉ biết đến ái dục, chỉ nghĩ đến ái dục từ sáng đến tối. Chẳng thể buông bỏ được ái dục dù chỉ trong chốc lát. Nếu quý vị chú tâm nghiên cứu Phật pháp cũng như khi say mê ái dục vậy thì sẽ thành Phật rất chóng. Nhưng tiếc thay, quý vị không thể chuyển đổi ý thích dục lạc thành ý thích Phật pháp. Ông càng học Phật pháp, ông càng thấy chán. Ông cho rằng: “Tôi có quá nhiều lỗi lầm. Phật pháp vạch ra cho thấy hết thảy, tôi chẳng muốn học nữa. Phật pháp kêu gọi tôi thay đổi tập khí, làm sao mà tôi có thể thay đổi được điều ấy? Đó là một ví dụ về si ái. Ở trên, kinh văn đã nói: Do vọng tưởng nên mê lầm chân lý. Nay tôi có thể nói rằng mọi lỗi lầm đều phát khởi từ si ái.

Khiến gây ra mê lầm cùng khắp.

Si ái gây nên sự mê lầm cùng khắp. Ông trở nên mê mờ lầm lẫn về tất cả mọi việc. Khi ông trở nên si ái, ông không hiểu biết gì cả về mọi việc. Không có việc gì đáng để ông quan tâm cả. Ông còn ngoan cố cho rằng: “Nếu tôi có đọa địa ngục thì kệ tôi, việc gì phải bận tâm.” Ông chẳng còn bận tâm đến việc gì nữa cả.

Nên có hư không.

Từ si ái mà ông gây nên lỗi lầm. Vì người đàn ông cứ nhớ nghĩ đến người đàn bà suốt từ sáng đến tối, và người đàn bà lại nhớ tưởng tới người đàn ông suốt ngày. Nên phát sinh một thứ hư vọng.

Cái mê biến hóa không cùng nên có thế giới.

Cái mê muội được nhân lên nhiều lần, một cái mê trở thành hai, hai thành ba. Cái mê xoay chuyển không có chỗ dừng. Người thông minh nên thận trọng ở điểm này. Nên khắc ghi ý nghĩa sâu sắc vào trong xương cốt. Nó đã chỉ rõ cho ông toàn bộ sự mê lầm.

Do vậy, các cõi nước nhiều như vi trần trong mười phương đều được dựng lập từ mê muội và vọng tưởng.

Thế giới khắp mười phương không thể tiêu hủy được. Đó chẳng phải là thế giới vô lậu vì nó không có thể tánh riêng biệt của nó. Nó chỉ là sự dựng lập của vọng tưởng sai lầm. Mê lầm cùng với thiếu hiểu biết. Mê muội cùng với ngoan cố, không biết cách chuyển hóa, nên thế giới được dựng lập từ những vọng tưởng mê lầm này.

 

Kinh Văn: Đương tri hư không, sanh nhữ tâm nội, do như phiến vân điểm thái thanh lí. Huống chư thế giới tại hư không da?

Việt dịch: Nên biết hư không sanh trong tâm ông ví như phiến mây điểm trên nền trời xanh. Huống nữa là các cõi nước ở trong hư không thì nhỏ đến cỡ nào?

Giảng: A-nan, đừng mê ngủ. Ông phải biết khi tôi nói đừng ngủ, có nghĩa là đừng có mê mờ. Đừng có bị si ái một lần nữa, đừng có nhầm lẫn chân lý nữa.

Đức Phật bảo A-nan đừng mê ngủ, nay tôi bảo quý vị cũng hoàn toàn đừng mê ngủ.

Vấn đề chủ yếu ngay bây giờ là phải nên biết: Hư không sanh trong tâm ông ví như đám mây điểm trên trời xanh. Tất cả hư không đều sanh từ tâm ông. Đem phiến mây trên bầu trời để so sánh với tâm ông. Một phiến mây trên bầu trời thì nhỏ, nhưng bầu trời biểu hiện cho tâm ông thì lớn mênh mông. Trong đoạn kinh trước (quyển 6) đã nói:

Không sanh đại giác trung,

Như hải nhất âu phát.

Nghĩa là: Hư không sanh trong biển lớn giác ngộ, giống như hòn bọt nổi lên trong biển cả. Bây giờ lại nói: Hư không trong tâm ông giống như đám mây điểm trên nền trời xanh. Huống nữa là các cõi nước ở trong hư không thì nhỏ đến cỡ nào? Tất cả hư không hiện hữu đó đều nhỏ cả, thế thì tâm ông lớn biết chừng nào? Tất cả thế giới so với cõi hư không ắt là nhỏ. Nếu hư không ở trong tâm ông thì thế giới ắt còn phải nhỏ hơn nữa. Điểm này mô tả tánh giác trùm khắp mọi nơi.

 

Kinh Văn: Nhữ đẳng nhất nhân, phát chân quy nguyên, thử thập phương không, giai tất tiêu vẫn. Vân hà không trung, sở hữu quốc độ, nhi bất chấn liệt?

Việt dịch: Nếu chỉ có một người trong các ông phát minh chân lý và quay về bổn tánh, thì mười phương hư không đều tiêu mất. Làm sao các cõi hư không kia lại không bị hủy diệt?

Giảng: Nếu chỉ có một người trong các ông phát minh chân lý và quay về bổn tánh. Phát minh chân lý và quay về bổn tánh có nghĩa là thành Phật. Chứng quả vị thứ tư của hàng A-la-hán , cũng có thể được gọi là nhận ra chân tánh, quay về bổn tâm. A-nan, nếu một người trong các ông thành Phật, thì mười phương hư không đều tiêu mất. Làm sao mà các cõi hư không kia không bị hủy diệt?

Hư không không còn nữa thì làm sao thế giới còn tồn tại được? Thế giới cũng đều tiêu trầm luôn vậy. (Hư không do si ái mà thành, khi phát minh bổn tánh thành Phật thì si ái cũng không còn, nên hư không tiêu mất).

Có người nói: “Nếu có nhiều người đã thành quả vị Phật rồi, thì lẽ ra hư không phải hoàn toàn tiêu diệt hết, thế tại sao hư không chưa biến hẳn đi?”

Từ cái nhìn của hàng phàm phu thì hư không còn tồn tại, nhưng chư Phật thì nhìn thấy chẳng còn có hư không. Đó là cái nhìn sai biệt. Thế nên các ông không nên luận bàn theo lối khái quát. Ví dụ như người đạt được ngũ nhãn thì có thể nhìn thấy được những gì đang xảy ra ở nước này và nước khác cách xa ngàn dặm. Ông là người chưa có được Phật nhãn, liệu có thể nhìn thấy được những việc này chăng? Do vậy ta không thể nói: Tôi thấy được nó nên nó phải hiện hữu. Quý vị có thể thấy như nó đang tồn tại, nhưng qua tầm nhìn của Đức Phật thì không có gì tồn tại cả. Ngay cả hư không cũng chẳng có.

 

Kinh Văn: Nhữ bối tu thiền, sức tam ma địa. Thập phương bồ-tát cập chư vô lậu đại A-la-hán , tâm tinh thông vẫn, đương xứ trạm nhiên.

Việt dịch: Các ông tu thiền, đạt được chánh định. Tâm ông thông suốt, hợp với tâm của chư vị Bồ-tát, và các vị vô lậu đại A-la-hán trong mười phương đã an trụ trong trạng thái vắng lặng.

Giảng: Khi các ông tập trung vào tu thiền, đạt được chánh định, chân tâm ông thông suốt, hợp với chân tâm của chư vị bồ-tát và các vị vô lậu đại A-la-hán trong khắp mười phương đã an trụ trong trạng thái vắng lặng.

Ông không còn phải tìm kiếm sự thanh tịnh vắng lặng ở đâu nữa, mà nó ngay ở nơi ông. Sự thanh tịnh vắng lặng ở ngay nơi thân tâm ông đó chính là Như Lai tạng tánh. Nó trùm khắp cả pháp giới.

Tại sao tâm của chư vị bồ-tát và các vị A-la-hán lại thông hợp với những người tu tập thiền định? Vì cùng tu tập đại định như nhau, họ đều dùng pháp “phản văn văn tự tánh .” Nghĩa là hướng tánh nghe vào bên trong để nhận ra tự tánh của mình cho đến khi thành Phật đạo.

Quý Ngài đều tu tập hành trì Thủ-lăng-nghiêm đại định. Vì vậy nên tâm thức họ hoàn toàn thông suốt, ngầm hợp. Như thể có dòng điện nối liền giữa họ với nhau.

Sự liên quan này không chỉ xảy ra ở cảnh giới của chư Phật, chư bồ-tát và các vị A-la-hán , mà nó cũng thường xảy ra đối với hàng phàm phu. Ví dụ khi quý vị nghĩ về một người nào đó, thì tư tưởng của quý vị sẽ liên lạc với người ấy, giống như đánh điện tín. Người kia có biết không? Quý vị thử hỏi bản tánh của người ấy thì biết rõ, dù tâm thức của họ có thể không hề biết. Trên bình diện bản thể thì hoàn toàn có thể biết được tâm thức của người khác.

“Như vậy nếu tôi nghĩ về một người nào đó thì người ấy cũng nghĩ về tôi như vậy hay sao?

Ông có thể suy nghĩ cho đến khi chết mà chẳng có ích gì cả. Giống như tánh si ái mà tôi giảng trước đây. Nếu một người si ái, anh ta sẽ nghĩ về những cảnh đam mê tình ái suốt ngày, không lúc nào dừng lại được những vọng tưởng ấy. Tự một mình anh ta suy nghĩ cho đến chết. Anh ta chết như thế nào? Anh ta nghĩ đến một người phụ nữ cho đến khi hai người cùng nhau kết hôn. Khi kết hôn rồi họ trở nên lộn xộn, rối loạn. Sau một thời gian sống trong hỗn độn rối loạn rồi họ chết. Kết hôn có nghĩa là sống trong hỗn độn rối loạn, không sáng suốt được chút nào cả.

Trong Hán văn, quý vị có thể suy luận về nghĩa của hai chữ kết hôn 結 婚. Hôn 婚 có nghĩa là mờ tối.

 

Kinh Văn: Nhất thiết ma vương, cập dữ quỷ thần, chư phàm phu thiên, kiến kỳ cung điện vô cố băng liệt, đại địa chấn sách, thủy lục phi đằng, vô bất kinh nhiếp. Phàm phu hôn ám, bất giác thiên ngoa.

Việt dịch: Tất cả ma vương, cùng các loài quỷ thần, các cõi trời phàm phu đều thấy cung điện của mình vô cớ bị tiêu hủy, đất đai rung động, các loài thủy lục không hành thảy đều kinh sợ. Hàng phàm phu mê muội thì chẳng hay biết những biến động này.

Giảng: Khi một người đạt được đại định Thủ-lăng-nghiêm, là chân đại định, thì ma quân rúng động vì run sợ. Tất cả ma vương, cùng các loài quỷ thần, các cõi trời phàm phu của sáu cõi Dục và cõi trời Tứ thiền đều thấy cung điện của mình vô cớ bị tiêu hủy. Tình trạng này thực là không hiểu nổi. Không rõ nguyên nhân gì mà cung điện của chúng bỗng dưng hủy hoại dần.

Tôi đã từng kể cho quý vị nghe chuyện một chú đệ tử trẻ tuổi của tôi ở Mãn-châu (Manchuria). Chú ấy chỉ khoảng mười bốn tuổi, mặc dù chú nhỏ tuổi nhưng thần thông chẳng phải tầm thường. Chú có thể lên trời xuống đất tùy ý. Tuy đã được khai ngũ nhãn nhưng chưa chứng được lục thông. Chú đã được năm món thần thông, chỉ thiếu lậu tận không. Khi một người đạt được lậu tận thông thì được gọi là a-la-hán.

Một hôm, chú lên trời chơi. Khi lên trên đó, thiên ma rất vui mừng và dụ chú ta vào trong cung điện của chúng. Đó là một tòa lâu đài tuyệt đẹp làm bằng ngọc lưu ly trong suốt. Chú sa-di đã bị mắc vào bẫy.

Do chú có được ngũ nhãn, nên chú có thể thấy được pháp thân của mình đã bị cầm giữ bởi Tha hóa Tự tại vương. Tuy nhiên chú ta cũng tìm cách báo cho tôi biết: “Thưa thầy, con lên trời chơi, nay không thể về được nữa.”

“Thế là chú bị kẹt trên trời rồi! Hừ! thế trước kia ai đã chỉ cho chú lên đó?”

“Con nghĩ là ở đó sẽ rất vui nên con lên để xem cho biết. Bây giờ người ở đây không muốn cho con trở lại.”

Tôi bảo: “Nếu chú muốn tiêu khiển, thì đừng có lên đó tìm vui. Các thiên ma ở các tầng trời cõi Dục đều muốn tìm cơ hội để phá hủy định lực của người tu đạo.” Tôi giải thích: “Đừng sợ, Thầy sẽ đưa con về.”

Tôi cố gắng đưa chú về, nhưng ma vương không muốn cho chú đi. Đến lúc đó, chú thật sự hoảng sợ và nói: “Nó không cho con về. Làm sao bây giờ?” Tôi bảo: “Đừng lo, thầy sẽ có cách đưa con về ngay.”

Rồi tôi dùng chú Thủ-lăng-nghiêm, là năm bộ tâm chú để trừ ma chướng mà tôi đã giảng cho quý vị nghe trước đây. Cung điện của ma vương tức khắc tan rã, và chú sa-di trở về ngay lúc ấy. Đây là một câu chuyện có thực.

Bấy giờ cung điện của ma vương hủy hoại rồi sụp đổ. Mặt đất chấn động, nứt nẻ nhiều nơi. Các sinh vật ở dưới nước, trên không thảy đều kinh sợ.

Tất cả những loài sinh vật ở dưới nước, trên mặt đất, các loài bay nhảy, sợ hãi trở nên hoảng loạn không còn kiềm chế mình được nữa.

Hàng phàm phu mê muội thì chẳng hay biết những biến đổi này.

Hàng phàm phu chẳng có được tri giác bén nhạy, họ không nhận ra được quả đất đang kinh qua những sự biến đổi như thế. Họ không có đủ sự nhạy bén để nhận biết sáu tướng chấn động đang xảy ra trong trái đất.

 

Kinh Văn: Bỉ đẳng hàm đắc ngũ chủng thần thông, duy trừ lậu tận, luyến thử trần lao. Như hà linh nhữ tồi liệt kỳ xứ? Thị cố quỷ thần cập chư thiên ma, võng lượng yêu tinh, ư tam muội thời thiêm lai não nhữ.

Việt dịch: Các loài sinh vật ấy đều có năm thứ thần thông, trừ lậu tận thông, đương luyến tiếc cảnh trần lao. Làm sao nó chịu để cho các ông phá hoại chỗ ở của nó? Vậy nên các loài quỷ thần, thiên ma, ly mị, võng lượng, yêu tinh… trong khi ông tu pháp tam-muội, chúng đều muốn đến phá ông.

Giảng: Bây giờ các ông hiểu rồi chứ? Vì sao ma lại đến phá? Chỉ vì các loài sinh vật ấy đều có năm thứ thần thông: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm không, túc mạng thông, thần túc thông, trừ lậu tận thông mà thôi. Nếu nó có lậu tận thông, nó sẽ không quấy rầy ông nữa đâu. Nhưng vì không có lậu tận thông, nên nó vẫn là kẻ ác, vẫn muốn đến phá hoại người tu đạo… Điều đó nghĩa là sao? Tôi sẽ giảng rất tường tận về điều này.

Gọi là lậu tức là những suy nghĩ lan man. Đàn ông nghĩ về đàn bà, đàn bà nghĩ đến đàn ông. Nếu quý vị không kết thúc những suy nghĩ lan man này, thì chẳng thể nào tự mình thoát khỏi lậu hoặc được.

Bây giờ tôi sẽ giảng điều này sâu hơn, và tôi sẽ nói rất chân thực. Nếu tôi nói không chân thực thì ông chẳng bao giờ biết đượclậu hoặc thật sự liên quan đến mình như thế nào. Thoát khỏi mọi lậu hoặc có nghĩa là còn giữ được nguyên vẹn bản chất của mình. Nếu đánh mất bản chất của mình có nghĩa là bị lậu hoặc.

Bây giờ tôi sẽ nói rõ bí ẩn của trời đất. Nếu quý vị giữ được bản chất của mình thì sẽ không bị lậu hoặc. Hơn thế nữa, không những ngăn ngừa được bản tính của mình khỏi bị mất mát, mà còn có khả năng dứt được những ý tưởng dâm dục ngay trong tâm niệm rất vi tế. Được như thế thì thật sự quý vị đã thoát khỏi mọi lậu hoặc. Bây giờ quý vị hiểu rồi chứ? Tại sao thiên ma không được tự tại thoát khỏi mọi lậu hoặc? Vì chúng còn niệm tưởng dâm dục. Quỷ thần cũng còn niệm tưởng dâm dục ấy.

Vì nó đang còn luyến tiếc cảnh trần lao.

Trần lao, đơn giản là một dạng của dâm dục. Đó là những gì nó đang tham luyến.

Làm sao nó lại chịu để các ông phá hoại chỗ ở của nó?

Vì nó vẫn còn tham luyến dâm dục, nên nó không muốn nhìn thấy các ông đoạn tuyệt với chúng. Chúng nó muốn ông cũng tham đắm vào sắc dục. Nó sẽ nói:

“Hai chúng ta là bạn thân của nhau, ta sẽ không đoạn tuyệt với sắc dục đâu. Vậy, ông không nên từ khước nó.”

Đó là lý do tại sao ma quỷ lại đến. Nó đều không muốn các ông vượt qua cảnh trần lao này.

Nên các loài quỷ thần, thiên ma, ly mỵ, yêu tinh sẽ đến phá hoại khi ông tu tập pháp tam-ma-đề.

Khi tôi đề cập đến chữ yêu tinh trước đây, các ông chưa được rõ nghĩa, bây giờ tôi sẽ giải thích. Ông có biết chữ yêu 妖 trong tiếng Hán được viết gồm bộ nữ 女 bên cạnh chữ yểu 夭 (sống ngắn ngủi). Có nghĩa là chết trước ba mươi tuổi. Các ông có thể hiểu rõ được nghĩa chữ yêu, từ đó không cần phải giảng nhiều. Tóm lại, người nào chết yểu, sẽ trở thành yêu tinh. (Chết yểu vì dục lạc).

Khi ông tu tập tam-muội (định), nó đều đem hết cả lũ đến quấy nhiễu ông. Mục đích của chúng như nó thường nói là: ăn thịt Đường tăng. Đường tăng tức là Đại Pháp sư Huyền Trang. Rất nhiều yêu tinh muốn ăn thịt ngài. Nghĩa là chúng nó muốn tiêu hủy định lực của ngài. Nếu ông tu tập đạt được định lực thì yêu ma quỷ quái đều muốn ăn thịt ông cho bằng được. Thực ra nó đâu chỉ muốn ăn thịt thôi đâu. Tôi sẽ hết sức chân thực trình bày cho quý vị được rõ mà chẳng giữ lại điều gì. Điều gì thực sự sẽ xảy ra khi tinh, khí, thần của ông sung mãn? Vì ông không nghĩ đến dâm dục, những loài ma quỷ này đều muốn cưỡng đoạt kho tàng của ông. Đó là lý do tại sao nó đến quấy rầy ông. Nếu các ông có một người bạn gái và các bà có một người bạn trai, thì những người ấy cũng sẽ cướp đi kho báu của quý vị đi vậy. Quý vị thử nghĩ có điều gì khác nữa sẽ xảy ra?

Quý vị sẽ nói:

“Phật pháp dạy cho tôi biết bố thí, vậy nên tôi đem cả kho tàng của mình bố thí cho người khác.”

Thế thì tốt lắm! Trong tương lai ông sẽ chuyển thân thành loài ngạ quỷ (quỷ đói). Khi điều đó xảy ra, người đã cướp mất kho tàng của quý vị sẽ không nói:

–Đây này, tôi trả lại cho ông một ít của báu, để ông có thể thoát ra khỏi cảnh giới ngạ quỷ này.”

Lúc đó hoàn toàn chẳng có ai giúp quý vị cả. Hãy nghĩ kỹ lại đi.

 

Kinh Văn: Nhiên bỉ chư ma tuy hữu đại nộ, bỉ trần lao nội. Nhữ diệu giác trung, như phong xuy quang, như đao đoạn thủy, liễu bất tương xúc. Nhữ như phất thang, bỉ như kiên băng, noãn khí tiệm lân, bất nhật tiêu vẫn. Đồ thị thần lực, đãn vi kì khách.

Việt dịch: Các loài ma ấy tuy có oai lực lớn, nhưng vẫn còn ở trong trần lao. Trong khi ông ở trong tánh giác vi diệu, ma chẳng ảnh hưởng gì đến ông, như gió thổi chẳng làm lay động ánh sáng, hoặc như dao chẳng cắt được nước. Ông như nước sôi, trong khi ma vương giống như tảng băng, khi gần hơi nóng, băng sẽ tiêu tan. Chúng nó dựa vào ma lực, nhưng đó chỉ là khách thôi!

Giảng: Khi ông đạt được ít định lực trong công phu, ma vương sợ hãi nên đến phá hủy. Nó không muốn ông đạt được định lực.

Các loài ma ấy đến để quấy nhiễu ông và tuy có oai lực lớn, nhưng nó vẫn còn ở trong trần lao. Nó bị sai sử bởi tình thức ô nhiễm.

Trong khi ông ở trong tánh giác vi diệu. Ma chẳng ảnh hưởng gì đến ông, như gió thổi chẳng làm lay động ánh sáng hoặc như dao chẳng cắt được nước.

Nó chẳng làm gì được ông cả, chỉ như gió không đủ làm ánh sáng lay động, và chỉ như dao, dù bao nhiêu lần chém nước, nước chẳng hề hấn gì.

Ông như nước sôi, định lực phát sanh từ công phu tu tập của ông được ví như nước sôi. Trong khi ma vương giống như tảng băng, ma vương được ví như tảng băng giá lạnh trong mùa đông. Khi gần hơi nóng, băng sẽ tiêu tan. Cứng như băng nhưng sức nóng của nước sôi cũng sẽ dần dần làm băng tan chảy, chúng nó dựa vào ma lực, nhưng nó chỉ là khách thôi.

Nó chỉ trông mong vào ma lực của chính nó nên nó chẳng bao giờ được gọi là chủ, nó chỉ là “khách” (chẳng ở được lâu). Nó không thể thành công trong nỗ lực quấy phá ông.

 

Kinh Văn: Thành tựu phá loạn, do nhữ tâm trung ngũ ấm chủ nhân. Chủ nhân nhược mê khách đắc kì tiện

Việt dịch: Nó có thể phá rối được, là do người chủ của ngũ ấm trong tâm ông. Nếu chủ nhân mê lầm thì khách mới được dịp quấy phá.

Giảng: Nó có thể phá rối được, là do người chủ của ngũ ấm trong tâm ông: Căn bản là nó chẳng thể phá rối được. Tuy nhiên, nếu chủ nhân mê lầm, nếu tâm ông là chủ nhân của ngũ ấm mà mê lầm, thì khách mới được dịp quấy phá.

Khách sẽ được dịp quấy phá. Còn nếu như ông, là chủ nhân mà không mê lầm thì nó không thể làm được điều gì hại ông cả. Ai là chủ? Đó là tự tánh của ông, nếu tự tánh của ông bị mê lầm, thì ma quỷ có cách để hại ông. Còn nếu tự tánh của ông không bị mê lầm, thì nó đành chịu bó tay, chẳng làm gì được ông.

 

Kinh Văn: Đương xứ thiền-na, giác ngộ vô hoặc, tắc bỉ ma sự vô nại nhữ hà? Ấm tiêu nhập minh, tắc bỉ quần tà hàm thụ u khí. Minh năng phá ám, cận tự tiêu vẫn. Như hà cảm lưu nhiễu loạn thiền định?

Việt dịch: Khi trong thiền định, sáng suốt không mê lầm, thì các ma sự kia không làm gì được ông. Khi năm ấm tiêu trừ, ông có thể nhập vào bản tánh sáng suốt, mà tà ma kia đều nương vào ám khí. Do sáng phá được tối, nên bọn chúng sẽ bị tiêu hủy khi đến gần ông. Sao còn dám đến gần ông để phá rối thiền định?

Giảng: Khi trong thiền định, ông làm cho tâm ý mình được thanh tịnh, đạt được chánh định, ông được sáng suốt không mê lầm, các ma sự kia chẳng làm gì ông được. Ma quỷ không thể nhiễu loạn ông bằng cách của nó được, khi năm ấm tiêu trừ, ông có thể nhập vào bản tánh sáng suốt. Ma quỷ thuộc về bóng tối (âm). Bóng tối có thể bị xua tan như băng bị tan trong nước sôi. Trí huệ của ông rất sáng suốt nên ông hoàn toàn thể nhập vào với ánh sáng.

Bọn tà ma kia gồm ma quỷ, ngoại đạo, đều nương vào ám khí. Mọi chiến thuật (phá hoại) của nó đều nương vào bóng tối, do ánh sáng phá được tối. Nếu ông đạt được định lực và trí tuệ chân chánh thì năng lực của ánh sáng trí huệ sẽ chiếu sáng và xua tan mọi u ám. Nên bọn chúng sẽ bị tiêu hủy khi đến gần ông, sao còn đám đến gần ông để phá rối thiền định? Còn nếu nó muốn đến gần thì cứ việc, nhưng nó không dám quấy nhiễu ông.

 

Kinh Văn: Nhược bất minh ngộ, bị ấm sở mê, tắc nhữ A-nan tất vi ma tử, thành tựu ma nhân.

Việt dịch: Nếu không tỏ ngộ, bị ngũ ấm làm mê lầm, thì chính A-nan ắt phải làm con của ma, sẽ thành loài ma.

Giảng: Nếu không tỏ ngộ. Nếu ông không hiểu biết và thức tỉnh mà lại bị mê lầm bởi ma của ngũ ấm, thì chính ông, A-nan, ắt phải làm con của ma, sẽ thành loài ma. Ông sẽ gia nhập vào đoàn tùy tùng của quân ma.

 

Kinh Văn: Như Ma-đăng-già thù vi miễu liệt. Bỉ tuy chú nhữ phá Phật luật nghi. Bát vạn hạnh trung, kì hủy nhất giới. Tâm thanh tịnh cố, thượng vị luân nịch.

Việt dịch: Như ông gặp nạn Ma-đăng-già, là việc nhỏ nhặt. Cô ta dùng chú thuật bắt ông phá hủy luật nghi của Phật. Nó mong trong số tám vạn bốn ngàn tế hạnh, ông chỉ hủy phạm một giới. Nhưng vì tâm ông thanh tịnh nên không bị chìm đắm.

Giảng: Như ông gặp nạn con gái của Ma-đăng-già, là việc nhỏ nhặt. Đó chỉ là một việc dính líu đến ma sự bình thường. Cô ta dùng chú thuật bắt ông phá hủy luật nghi của Phật, cô ta dùng chú thuật của Tiên Phạm thiên để mê hoặc ông và bắt ông phải hủy phạm luật nghi của Phật. Nó mong trong số tám vạn bốn ngàn tế hạnh, ông chỉ hủy phạm một giới. Nhưng vì tâm ông thanh tịnh nên không bị chìm đắm. Vì ông đã chứng được quả vị đầu tiên của hàng A-la-hán , ông hoàn toàn không bị nó quấy phá, nên ông không bị đọa lạc.

 

Kinh Văn: Thử nãi huy nhữ bảo giác toàn thân. Như tể thần gia hốt phùng tịch một, uyển chuyển linh lạc vô khả ai cứu

Việt dịch: Đây là nỗ lực muốn phá hoại hoàn toàn sự giác ngộ quý báu của ông. (Nếu nó thành công) ông sẽ như quan Tể tướng bỗng nhiên bị truất quyền, gia đình ông ta trở nên bơ vơ, tuyệt vọng không ai thương xót cứu giúp.

Giảng: Đây là nỗ lực muốn phá hoại hoàn toàn sự giác ngộ quý báu của ông. Đó là hành vi nỗ lực làm cho ông bị đọa lạc. (Nếu nó thành công) ông sẽ như quan Tể tướng bỗng nhiên bị mất quyền. Khi một quan chức cao cấp bị Vua tịch thu tài sản của gia đình, gia đình ông ta trở nên bơ vơ không ai thương xót cứu giúp. Ông hoàn toàn bị cô đơn, vô phương kêu cứu, không ai thương xót giúp đỡ.

<!-- .entry-content-wrap












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét