KINH LĂNG NGHIÊM
NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại
Phật Giáo Giảng Ðường San Francisco
California _ USA _ 1968
HÀNH ẤM
KINH LANG NGHIEM
TRẠNG THÁI TÂM LÝ TRƯỚC KHI VÀO CẢNH GIỚI HÀNH ẤM
Kinh Văn: A-nan bỉ thiện nam tử, tu tam-ma-đề, tưởng ấm tận giả, thị nhân bình thường, mộng tưởng tiêu diệt, ngộ mị hằng nhất. Giác minh hư tĩnh, do như tình không, vô phục thô trọng, tiền trần ảnh sự. Quán chư thế gian, đại địa hà sơn, như cảnh giám minh, lai vô sở niêm, quá vô tung tích, hư thọ chiếu ứng, liễu võng trần tập, duy nhất tinh chân.
Việt dịch: A-nan, thiện nam tử kia, tu pháp tam-ma-đề, tưởng ấm đã tiêu dung, mộng tưởng bình thường cũng hết hẳn, ngủ thức đồng một thể. Tính giác minh rỗng lặng như hư không, không còn những tướng tiền trần thô trọng. Xem mọi hiện tượng trong thế gian như sông núi đất liền, như lòng gương sáng, ảnh hiện không dính mắc, đi không lưu lại dấu vết, thong dong phản chiếu sự vật, sạch hết tập khí cũ, thuần nhất chân tánh tinh anh.
Giảng: A-nan, thiện nam tử kia, tu pháp tam-ma-đề. Thiện nam tử nào đề cập ở đây? Chính là người đang nỗ lực trong công phu “hướng tánh nghe vào bên trong để nhận ra tự tánh của mình – phản văn văn tự tánh ,” là người đang tu tập Thủ-lăng-nghiêm đại định, và chính xác ai là người này? Đơn giản là bất kỳ người nào đang tu tập chánh định. Thiện nam tử ở đây là không chỉ đề cập đến một cá nhân riêng biệt nào, cũng không phải là một danh xưng độc nhất. Nếu quý vị là người đang tu hành, thì tên gọi đó là dành cho quý vị. Nếu tôi là người đang tu hành thì danh hiệu đó dành cho tôi. Nếu cô ấy, ông ấy đang tu tập, thì nó dành cho cô ấy, bà ấy. Mọi người đều có thể nhận lấy tên gọi ấy. Đó là, các ông đều có tên gọi đó nếu tự xét mình là người có công phu tu tập. Còn nếu không tu tập thì ngược lại. Việc đó hoàn toàn hợp lý. Đó là người đang tu pháp tam-ma-đề.
Tu có nghĩa là siêng năng tọa thiền, không ăn nhiều bữa trong ngày, chủ yếu là tọa thiền, nghe giảng kinh, học Phật pháp. Tu tập điều gì? Đó là tu tập định lực. Tu tập định lực là sao? Chủ yếu là ở tọa thiền. Định lực phát sanh do việc trì giới, khi chúng ta đã thọ giới rồi, thì phải giữ giới cho tinh nghiêm, đừng bao giờ vướng vào việc dâm dục. Nam giới phải theo quy củ phép tắc của nam. Nữ phải giữ phép tắc quy củ của nữ. Như Quan Công, một danh tướng thời Tam Quốc. Ông ta trung thành với vợ mình suốt đời, ông ta không bao giờ đến gần người đàn bà khác. Các ông có thấy khuôn mặt đỏ của ông ta không? Nó chứng tỏ chất chính khí, hào hiệp nơi ông. Bây giờ quý vị đã thọ giới, tôi muốn nói với quý vị là phải giữ lòng trung thành với ý trung nhân của mình. Đừng có vướng mắc vào sự ham muốn nhiều vợ, nhiều chồng rồi tìm kiếm bạn tình khắp nơi. Đừng nên hủy phạm giới luật, nên tuân thủ mọi quy củ, hành xử một cách quang minh chính đại, chỉ có cách ấy mới đạt được định lực. Sau khi thọ giới quý vị mới nên tu định, tu định rồi sẽ đạt được định lực, có định lực thì có được năng lực trí huệ.
Tại sao người ta bị ma gá? Nếu định lực của quý vị yếu và năng lực trí huệ không sung mãn, thì quý vị sẽ gặp ma chướng. Nếu công phu thiền định của quý vị chín muồi, quý vị sẽ chinh phục được ma quỷ.
Tưởng ấm đã tiêu dung.
Trong số năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tưởng ấm đã bị tiêu trừ. Hành giả dụng tâm muốn giao hỗ với tưởng ấm mà anh ta vừa chinh phục nó, khi đã vượt qua được tưởng ấm.
Mộng tưởng bình thường cũng hết hẳn.
Trong trạng thái này, hành giả vẫn ngủ, vẫn ăn nhưng không còn mơ nữa.
Khổng Tử có lần nói:
“Than ôi! Ta suy yếu rồi! Từ lâu ta không còn mộng thấy Chu Công .”
Chu Công là người bảo hộ cho Thành Vương vào đời nhà Chu. Tại sao Khổng Tử không còn mộng nữa? Có lẽ đến lúc ấy Khổng Tử đã một phần vượt qua tưởng ấm rồi, tuy nhiên, do ông ta không biết được điều này, nên ông ta ngạc nhiên.
“Này, sao ta không còn mộng nữa? Ồ, ta đã già rồi!”
Khổng Tử đã có chút ít trong công phu tu tập, có thể ông ta đã tiêu trừ được tưởng ấm , mà không hề biết gì về việc ấy. Ông ta không hiểu nên ông ta đoán rằng do ông ta đã già yếu nên không còn mộng nữa. Một khi tưởng ấm tiêu dung thì ngủ không còn mộng nữa.
Ngủ thức đồng một thể.
Nếu quý vị có đọc văn học cổ điển Trung Hoa, quý vị có thể liên hệ đến câu chuyện nhan đề “Trịnh Bá Khắc đoạn ư Yên.” Xưa Trịnh Vũ Công cưới vợ là Thần Vu Giáp , gọi là Vũ Khương. Sinh ra được hai người con: Trang Công và Cung Thúc Đoạn . Trang Công được sinh ra khi mẹ là bà Vũ Khương đang ngủ. Khi bà mẹ thức dậy, đã sinh Trang Công xong rồi. Trang Công được gọi là “Ngụ sinh.”
Trạng thái thức ngủ như nhau có nghĩa là: Khi ngủ cũng như thể là thức. Hành giả lúc thức cũng tỉnh táo vì anh ta không điên đảo, và ngủ cũng không có mộng. Khi các ông vượt qua được tưởng ấm , các ông có thể xa rời được những điên đảo, xa rời mộng tưởng và đạt được cảnh giới niết-bàn. Nếu các ông chưa tiêu dung được tưởng ấm, thì cái điên đảo này khó mà tiêu trừ được. Các ông nên lưu tâm đến điều này.
Trong việc học Phật pháp của chúng ta, ngũ ấm được đề cập trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm rất là quan trọng. Hơn thế nữa, các ông nên học cách mở sáu nút. Nếu các ông không biết những nút này, thì không bao giờ mở được và không bao giờ được tự tại. Nếu mở được sẽ có tự do.
Tính giác minh rỗng lặng như hư không, không còn những tướng tiền trần thô trọng.
Đến điểm này hành giả có thể ngủ hay thức tùy ý, nhưng theo anh ta, hai trạng thái ấy hoàn toàn giống nhau. Loại trạng thái ấy là gì? Hành giả thực sự ngủ rất ít, anh ta chỉ cần phục hồi sinh lực bằng cách chợp mắt một lát. Không như những người ngủ từ sáng đến tối và ngủ từ tối đến sáng. Lý do họ ngủ không bao giờ thấy đủ, là vì họ chưa vượt qua được tưởng ấm . Anh ta thường hay ngủ lơ mơ một chút, khi anh ta vượt qua tưởng ấm được rồi, anh ta trở nên rất lanh lợi và sáng suốt, thức và ngủ trở nên là một đối với anh ta. Điều này không có gì xa lạ, nếu quý vị nói chuyện khi anh ta đang ngủ, anh ta cũng nghe được hết. Đó là một trạng thái vi diệu, đừng cho rằng có thể mạ lỵ anh ta khi đang ngủ, vì anh ta biết được những gì các ông đang nói. Anh ta chỉ không để cho quý vị biết được những gì anh ta biết. Thật là cảnh giới kỳ diệu, một số chư thiên không ăn cũng không ngủ mà luôn thấy lanh lợi và tỉnh táo.
Tâm giác ngộ sáng suốt rỗng lặng như hư không. Như lời trong bài kệ:
“Vạn lý vô vân vạn lý thiên”
(Muôn dặm không mây, muôn dặm trời).
Trên bầu trời trong vắt, ánh sáng mặt trời tỏa lan đến cả ngàn dặm chung quanh. Trong trạng thái này tâm hành giả không còn những bóng dáng của tiền trần thô trọng. Tất cả bóng dáng bên ngoài của tiền trần đều bị tiêu mất.
Xem mọi hiện tượng trong thế gian như sông núi đất liền, như lòng gương sáng, ảnh hiện không dính mắc, đi không lưu lại dấu vết,
Cảm nhận về mọi hiện tượng trong thế gian này như là tấm gương sáng. Trong đó phản chiếu tất cả sự vật, gương trở lại tướng không khi ảnh không chiếu soi nữa, nó không để lại dấu vết gì cả. Bất luận cảnh giới gì hiện ra, hành giả cũng không dính mắc vào nó, khi cảnh giới ấy đi qua thì chẳng còn dấu vết gì lưu lại. Khi ra đi nó đi một cách đơn giản, nên trong Kinh Kim Cương nói:
“Quá khứ tâm bất khả đắc. Hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lai tâm bất khả đắc.”
Tâm quá khứ không thể nắm bắt được. Tâm hiện tại không thể nắm bắt được. Tâm vị lai không thể nắm bắt được. Ba cảnh giới ấy đều không thể nắm bắt được. Đó là lý do tại sao khi cảnh đến chẳng có gì dính mắc, khi di chẳng lưu lại dấu vết gì.
Thong dong phản chiếu sự vật, sạch hết tập khí cũ. Hành giả sạch hết tập khí cũ như xấu xa, ác độc phá hoại. Hãy quan sát tập khí xấu của một số người. Có người chỉ thích nói về những chuyện xấu xa, điên rồ. Đó là tập khí hôi thối (xú tập khí). Có người chỉ thích nói những chuyện hèn hạ, bỉ ổi. Đó là tập khí phá hoại. Có người thường rất cống cao ngã mạn. Tóm lại, chúng ta có rất nhiều tập khí xấu, nhưng hành giả ấy đã từ bỏ tất cả những tập khí cũ ấy.
Thuần nhất chân tánh tinh anh.
Chỉ còn lại tánh chân thật tinh anh. Đó là thức thứ tám. Đến đây sáu thức trước và thức thứ bảy đã tiêu mất, bây giờ chỉ còn thức thứ tám, và nó sẽ chuyển thành Đại viên cảnh trí như chư Phật. Bây giờ hành giả đã đạt được mức độ này rồi (thức thứ tám) chớ chưa chuyển qua Đại viên cảnh trí được. Đó là ý nghĩa chỉ còn lại thuần nhất chân tánh tinh anh.
PHẠM VI HÀNH ẤM
Kinh Văn: Sanh diệt căn nguyên, tòng thử phi lộ, kiến chư thập phương, thập nhị chúng sanh, tất đàn kì loại. Tuy vị thông kì, các mệnh do tự, kiến đồng sanh cơ, do như dã mã , tập tập thanh nhiễu , vi phù căn trần, cứu cánh xu huyệt. Thử tắc danh vi, hành ấm khu vũ.
Việt dịch: Căn nguyên của sinh diệt từ đó lộ ra, thấy được mười hai loại chúng sanh trong khắp mười phương, rõ hết các loài. Dù chưa thông suốt manh mối của mỗi loại, nhưng đã thấy chúng có chung một cơ sở sinh diệt, giống như sóng nắng chớp nhoáng bập bềnh, làm điểm then chốt để phát sinh các phù căn trần. Đây gọi là phạm vi của hành ấm
Giảng: Căn nguyên của sinh diệt từ đó lộ ra. Từ đâylộ bày rõ ra nguồn gốc của sự sinh diệt.
Điều này liên quan đến nguồn gốc của sự sinh ra và chết đi. Nó nằm trong loại động tướng vi tế của thức thứ bảy và thức thứ sáu. Lúc này, tưởng ấm đã tiêu dung, hành giả đạt đến hành ấm . Do vậy, nguồn gốc của sự sanh diệt mới được hiển lộ.
Hành giả thấy được toàn thể mười hai loại chúng sanh trong khắp mười phương.
Hiểu được một cách tường tận mỗi thứ trong mười hai loại chúng sanh, bao gồm các loài sinh từ trứng (noãn sinh ) cho đến loài phi vô tưởng .
Dù chưa thông suốt manh mối, nguồn gốc riêng của mỗi loại, nhưng đã thấy chúng có chung một cơ sở sinh diệt, giống như sóng nắng chớp nhoáng bập bềnh.
Hành giả chưa hoàn toàn biết rõ nguồn gốc riêng của từng loại chúng sanh, nhưng đã nhận rõ nguồn gốc của mười hai loại chúng sanh. Căn nguyên này giống như sóng nắng (dã mã ). Đôi khi vào mùa xuân, quý vị có thể nhìn thấy có thứ gì đó giống như nước từ đằng xa, nhưng khi đến nơi thì chẳng có nước. Trang Tử gọi ảo giác này là dã mã. Đó là thị vi hóa về hình ảnh một đám mây bị cuộn lên theo sau đám ngựa phi nhanh. Trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm, theo văn kinh gọi đó là “dương diệm – sóng nắng.” Có nghĩa là hơi nước bốc lên từ mặt đất vào mùa xuân, tạo thành một cảnh tượng hư ảo. Người ta cho rằng ở nơi đâu có hiện tượng này thì nơi ấy phong thủy địa lý rất tốt. Do vậy dù trong kinh Phật gọi đó là dương diệm hay dã mã cũng đều có nghĩa là ảo tưởng.
“Chớp nhoáng – tập tập .” Có nghĩa là có chút ít ánh sáng, lúc có lúc không, không sáng rõ.
“Bập bềnh – thanh nhiễu ” Nghĩa là: Trạng thái nhiễu loạn dao động nhẹ nhàng.
Làm điểm then chốt để phát sanh các phù căn trần.
Sáu phù căn trần là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Tất cả các thứ ấy đều không thực, chỉ là huyễn tượng. Trong tiếng Trung Hoa, chữ then chốt được biểu tượng bằng cái chốt cửa mà người Trung Hoa dùng để đóng hay mở cửa. Ngày nay chúng ta dùng hai miếng bản lề bằng kim loại. Nhưng vào thời xưa, ở Trung Hoa cái cửa được quay nhanh một cái trục gọi là then và chốt vào lỗ để đóng lại.
Đây gọi là phạm vi của hành ấm .
CỘI GỐC CỦA HÀNH ẤM
Kinh Văn: Nhược thử thanh nhiễu, tập tập nguyên tánh, tánh tập nguyên trừng, nhất trừng nguyên tập. Như ba lan diệt, hóa vi trừng thủy. Danh hành ấm tận. Thị nhân tắc năng siêu chúng sanh trọc. Quán kì sở do, u ẩn vọng tưởng dĩ vi kì bản.
Việt dịch: Nếu cội gốc của tánh bập bềnh chớp nhoáng ấy nhập vào bản chất trong lặng vốn sẵn có xưa nay, thì tập khí của hành giả sẽ lóng lặng, như sóng lặng nước yên. Đây gọi là hành ấm tiêu dung. Người ấy có thể vượt qua được chúng sanh trược. Quán xét nguyên do cội gốc của hành ấm, chính là u ẩn vọng tưởng.
Giảng: Nếu cội gốc của tánh bập bềnh chớp nhoáng ấy nhập vào bản chất trong lặng vốn sẵn có xưa nay, thì tập khí của hành giả sẽ lóng lặng. Như sóng lặng nước yên.
Bản chất của ánh sáng chớp nhoáng bập bềnh này là như thế, sau một thời gian dài nó sẽ trở về với thể tánh rỗng lặng trong suốt vốn sẵn có xưa nay. Một khi nó đã lắng xuống và trở nên trong trẻo, thì bản tánh thanh tịnh hiển bày, khi bản tánh hiển lộ thì những tập khí sẽ tiêu tan như sóng lặng xuống.
Tưởng ấm, như một dòng nước chảy xiết (bạo lưu). Trong kinh văn ở đoạn trước đã có sự so sánh ấy rồi. Bây giờ dùng sóng để ví dụ. Giống như một dòng nước chảy xiết, rất nhanh và dữ dội.
Đây gọi là hành ấm tiêu dung.
Tưởng ấm như dòng nước phun vọt ra, còn hành ấm như sóng gợn lăn tăn trên mặt nước. Đến khi chỉ còn thức ấm , thì mới hết sóng, nước lắng yên và trong veo. Đây gọi là hành ấm tiêu dung.
Hành giả có thể vượt qua được chúng sanh trược, đó là sự hỗn độn, mờ đục của thế giới chúng sanh. Quán xét nguyên do cội gốc của hành ấm , chính là u ẩn vọng tưởng.
Khi quý vị tu tập đạt đến mức độ này rồi, quý vị vẫn còn có vọng tưởng, nhưng không quá lộ liễu, nó bị che khuất trong khoảng tối tăm mù mịt, không dễ dàng quán xét để biết rõ ràng tường tận thứ vọng tưởng ấy được. Loài vọng tưởng cực kỳ vi tế này là nguồn gốc của hành ấm .
10 CẢNH GIỚI CỦA HÀNH ẤM
* * *
1 – HAI LOẠI TÀ KIẾN VÔ NHÂN
Kinh Văn: A-nan đương tri, thị đắc chánh tri, xa ma tha trung, chư thiện nam tử, ngưng minh chánh tâm, thập loại thiên ma, bất đắc kì tiện. Phương đắc tinh nghiên, cùng sanh loại bản, ư bản loại trung, sanh nguyên lộ giả, quán bỉ u thanh, viên nhiễu động nguyên, ư viên nguyên trung khởi kế độ giả. Thị nhân đọa nhập nhị vô nhân luận.
Việt dịch: A-nan, nên biết, các thiện nam tử ấy đã được sự nhận biết chân chính trong khi tu xa-ma-tha , chánh tâm ngưng lặng, sáng suốt, không bị quấy phá bởi mười loại thiên ma. Trong lúc nghiên cứu tinh vi cùng tột gốc của các loại chúng sanh, khi thấy manh mối sinh diệt của các loại hiện ra, quán xét cội gốc thường chuyển động lăng xăng cùng khắp u ẩn kia, trong đó lại khởi tâm so đo chấp là tính viên nguyên, thì liền rơi vào hai thứ luận vô nhân.
Giảng: A-nan, nên biết, các thiện nam tử ấy đã được sự nhận biết chân chính trong khi tu xa-ma-tha (chỉ ), còn gọi là tịch tĩnh.
Chánh tâm ngưng lặng, sáng suốt, không bị quấy phá bởi mười loại thiên ma.
Tâm đã được điều phục ngưng lặng, sáng suốt. Trong định, tâm hành giả trở nên sáng suốt ngưng lặng. Không bị quấy phá bởi mười loại thiên ma. Thiên ma không có cơ hội để quấy phá hành giả.
Trong lúc nghiên cứu tinh vi cùng tột gốc của các loại chúng sanh. Bây giờ hành giả có thể có được cơ hội nghiên cứu tinh vi cùng tột cội gốc sinh diệt của mười hai loại chúng sanh.
Khi thấy manh mối sinh diệt của các loài hiện ra.
Khi hành giả vạch ra được manh mối sinh diệt của mỗi loài chúng sanh. Hành giả có thể quán sát cội gốc thường chuyển động lăng xăng trùm khắp uẩn kia.
Hành giả quán sát trạng thái lăng xăng mờ mịt rất khó nhận ra ấy. Trạng thái bập bềnh tỏa khắp này là một sự dao động rất vi tế thuộc phạm vi thức thứ bảy.
Trong đó lại khởi tâm so đo chấp là tính viên nguyên, thì liền rơi vào hai thứ luận vô nhân.
Nhưng nếu hành giả đột nhiên bắt đầu có một sự thay đổi và bắt đầu khởi tâm so đo chấp trước vào cội nguồn trùm khắp ấy, là tự tánh xưa nay vốn tròn đầy thì liền rơi vào hai thứ luận vô nhân.
Kinh Văn: Nhất giả thị nhân kiến bản vô nhân. Hà dĩ cố? Thị nhân kí đắc, sanh cơ toàn phá. Thừa vu nhãn căn, bát bách công đức, kiến bát vạn kiếp, sở hữu chúng sanh, nghiệp lưu loan hoàn, tử thử sanh bỉ. Kì kiến chúng sanh luân hồi kì xứ. Bát vạn kiếp ngoại, minh vô sở quán.
Việt dịch: Một là, người ấy thấy cái gốc không có nhân. Vì sao? Vì người ấy đã hoàn toàn chuyển hóa cơ chế của sự sinh ra. Nhờ tám trăm công đức của nhãn căn, thấy được toàn bộ chúng sanh theo vòng nghiệp báo mà xoay vần trong tám vạn kiếp, chết nơi này sanh nơi kia. Thấy chúng sanh luân hồi trong đó, nhưng ngoài tám mươi ngàn kiếp thì không biết được gì.
Giảng: Luận điểm trước tiên của thuyết vô nhân là: Hành giả thấy được nguồn gốc của sự sống vốn không có nhân.
Một là, người ấy thấy cái gốc không có nhân.
Hành giả thấy rằng: Nơi nguồn gốc của toàn thể vạn vật chẳng có một nguyên nhân nào khiến một người thành người.
Vì sao? Vì người ấy đã hoàn toàn chuyển hóa cơ chế của sự sinh ra.
Nghĩa là: Anh ta đã cắt đứt được tưởng ấm , còn hành ấm thì như sóng gợn lăn tăn trên mặt nước. Sau khi hành giả tiêu dung được tưởng ấm rồi, là đã chuyển hóa được toàn bộ cơ chế của sinh diệt. Có nghĩa là: cơ chế sinh khởi vọng tưởng đã được chuyển hóa, và hành giả không còn vọng tưởng nữa. Trong đoạn kinh văn trước đã nhắc đến người sẽ không còn mộng nữa khi tiêu dung được tưởng ấm, vì đã chuyển hóa được cơ chế sinh khởi vọng tưởng.
Nhờ tám trăm công đức của nhãn căn, thấy được toàn bộ chúng sanh theo vòng nghiệp báo mà xoay vần trong tám vạn kiếp, chết nơi này sanh nơi kia.
Mặc dù mỗi căn có khả năng một ngàn hai trăm công đức, riêng cái dụng của nhãn căn không có năng lực toàn diện nên chỉ có tám trăm công đức. Một khi hành giả vượt qua được tưởng ấm , anh ta có thể nhìn thấy những sự kiện xảy ra trong phạm vi tám vạn kiếp. Anh ta có thể thấy chúng sinh, chết nơi này sanh ở nơi kia, thấy chúng sanh luân hồi trong đó.
Dòng nghiệp tạo nên bởi chúng sanh trong thế gian này có thể ví như dòng nước hoặc như mặt biển. Anh ta có thể thấy được toàn bộ chúng sinh xoay vần trong dòng chảy đó trong thời gian tám vạn đại kiếp, chết nơi này sinh nơi kia, đời này kế tiếp đời sau.
Thấy chúng sanh luân hồi trong đó, nhưng ngoài tám mươi ngàn kiếp thì không biết gì.
Nhưng ngoài tám vạn kiếp, những biến cố sự kiện xảy ra trong khoảng ấy thì không biết được gì.
Kinh Văn: Tiện tác thị giải, thử đẳng thế gian thập phương chúng sinh, bát vạn kiếp lai, vô nhân tự hữu.
Việt dịch: Do vậy hành giả có kiến giải rằng, những loại chúng sanh trong mười phương thế giới này từ tám vạn kiếp trở lại, hiện hữu mà không có nguyên nhân.
Giảng: Do vậy, vì hành giả không nhìn thấy được những sự kiện xảy ra trong hơn tám vạn đại kiếp trở lại, nên có kiến giải những loại chúng sanh trong mười phương thế giới này từ tám vạn kiếp trở lại, thành chúng sanh mà không có nguyên nhân.
Tự nó làm chúng sanh, không có nhân duyên nào cả, tất cả đều tình cờ ngẫu nhiên mà sanh ra.
Kinh Văn: Do thử kế độ, vong chánh biến tri, đoạ lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh.
Việt dịch: Do sự suy đoán này, nên mất chánh biến tri, bị lạc vào ngoại đạo, trở nên mê lầm tánh bồ-đề.
Giảng: Do sự suy đoán này. Sự phỏng đoán ấy đã lạc đường, là hướng ra bên ngoài mà suy lường. Nên hành giả đánh mất chánh biến tri, lạc vào hàng ngoại đạo, theo hàng ngoại đạo tà giáo. Trở nên mê lầm tánh bồ-đề… là tánh giác ngộ sáng suốt từ bản tâm.
Kinh Văn: Nhị giả thị nhân kiến mạt vô nhân. Hà dĩ cố? Thị nhân ư sanh, kí kiến kì căn. Tri nhân sanh nhân, ngộ điểu sanh điểu. Ô tòng lai hắc, hộc tòng lai bạch. Nhân thiên bản thụ, súc sanh bản hoành. Bạch phi tẩy thành, hắc phi nhiễm tạo. Tòng bát vạn kiếp, vô phục cải di.
Việt dịch: Thứ hai là người ấy thấy cái ngọn là không có nguyên nhân. Tại sao? Vì đã nhận ra cội gốc sinh diệt. Biết loài người luôn luôn sanh ra người, chim luôn luôn sanh ra chim. Quạ vốn xưa nay là đen, chim hộc vốn xưa nay là trắng. Loài người, loài trời luôn luôn đứng thẳng, loài vật luôn luôn có thân nằm ngang. Sắc trắng không do rửa mà thành, mầu đen không do nhuộm mà có. Suốt tám vạn kiếp việc ấy không hề thay đổi.
Giảng: Thứ hai là người ấy thấy cái ngọn là không có nguyên nhân.
Luận điểm thứ hai là gì? Hành giả thấy chỗ tận cùng của sự sống là không có nguyên nhân.
Luận điểm thứ nhất là thấy sự sinh khởi không có nguyên nhân. Bây giờ là quan niệm về sự biến diệt, sự chấm dứt cuộc sống không có nguyên nhân.
Vì sao? Vì hành giả đã nhận ra được cội gốc của sự sinh diệt là sự khởi thủy của toàn bộ chúng sanh. Biết người luôn luôn sinh ra người, chim luôn luôn sanh ra chim. Hành giả nhận thấy rằng mình đã giác ngộ, đạt được trí huệ vĩ đại, anh ta nghĩ rằng mình biết được mọi điều. Anh ta cho rằng mình biết được điều gì? Anh ta nói: “Người rốt cục lại sanh ra người, chim rồi lại sanh làm chim.” (33)
Chim quạ vốn xưa nay là mầu đen. Quạ có mầu đen từ khởi thủy, nó chẳng phải do nhuộm mà có mầu đen, và chim hộc(ngỗng trời) vốn xưa nay là màu trắng, nó mang mầu trắng từ khi mới sanh ra.
Loài người, loài trời luôn luôn đứng thẳng. Loài người và chư thiên thì đi thẳng, đi bằng hai chân.
Loài vật luôn có thân nằm ngang. Súc sinh đi ngang bằng bốn chân trên mặt đất. Điều này là chính xác từ xưa nay rồi.
Sắc trắng không phải do rửa mà thành, mầu đen không phải do nhuộm mà có. Chẳng hạn như quạ có màu đen, nhưng chẳng do nhuộm mà thành đen. Cũng thế ngỗng trời có màu trắng, chẳng phải do tẩy rửa mà thành trắng.
Suốt trong tám vạn kiếp, việc ấy không hề thay đổi.
Kinh Văn: Kim tận thử hình, diệc phục như thị. Nhi ngã bản lai, bất kiến bồ-đề, vân hà cánh hữu, thành bồ-đề sự? Đương tri kim nhật nhất thiết vật tượng, giai bản vô nhân.
Việt dịch: Cho đến hết đời này cũng như vậy. Mà ta từ xưa nay, chưa từng thấy có gì là bồ-đề, thì làm sao có chuyện thành tựu bồ-đề? Các ông ngày nay nên biết, các vật tượng hiện hữu đều không có nguyên nhân.
Giảng: Cho đến hết đời này cũng như vậy.
Người ấy có thể thấy được những hiện tượng xảy ra trong phạm vi tám vạn đại kiếp, nên nói: “Nay tôi xem xét đến cùng tận cõi đời này là cuộc sống của thân vật chất, cũng thấy như vậy, cũng giống như mọi loài chúng sanh mà nó thấy được trong tám vạn đại kiến ấy.
Mà ta từ xưa nay, chưa từng thấy có gì là bồ-đề, thì làm sao có chuyện thành tựu bồ-đề? Thân nó cũng không có nguồn gốc sanh khởi. Nó nói: “Thực vậy từ xưa đến nay, ta chưa từng thấy có gì là bồ-đề. Ta chưa từng thấy bồ-đề như thế nào? Làm sao lại có việc thành đạo bồ-đề?
Ta đã nhìn qua tám vạn đại kiếp, chưa từng thấy được bồ-đề, thế nên làm sao ta có thể tin là có người chứng được đạo bồ-đề.
Các ông ngày nay nên biết các vật tượng hiện hữu đều không có nguyên nhân.
Các hiện tượng ấy hiện hữu chẳng do bất kỳ nguyên nhân nào mà. Thực ra, anh ta chỉ có thể thấy được các hiện tượng trong phạm vi tám vạn đại kiếp. Còn những hiện tượng xảy ra ngoài thời gian đó, thì anh ta hoàn toàn không biết.
Khi Đức Phật còn tại thế, có một lão già đến tinh xá gặp Phật xin được xuất gia. Gặp khi Đức Phật đang trên đường du hóa, không có ở tinh xá. Các vị A-la-hán ở đó đều nhìn lão già. Đó là một người khoảng ngoài tám mươi tuổi, da nhăn, tóc bạc, dáng đi lụm cụm run rẩy. Bất kỳ lúc nào có người đến tinh xá xin xuất gia, các vị A-la-hán đều quán sát những nhân duyên người ấy đã gieo trồng từ nhiều kiếp trước và quả báo mà người ấy sẽ gặt và đời sau. Nay chư vị A-la-hán quán sát những nghiệp nhân người già ấy đã gieo và thấy được trong tám vạn kiếp trước, lão già ấy không gieo trồng chút thiện căn nào cả.
Vị đại A-la-hán bảo: “Vì ông không trồng căn lành, nên không thể xuất gia được. Ông chớ nên nghĩ rằng xuất gia là dễ. Để được làm người xuất gia, các ông phải gieo trồng nhiều hạt giống bồ-đề trong đời này và những đời sau. Mặc dù ông muốn xuất gia ngay đời này, nhưng do vì ông đã không gieo nhân lành nên chúng tôi không thể nhận ông vào trong đoàn thể những người xuất gia. Tốt hơn là ông nên về nhà đi.”
Lão già nghe vậy bèn bật khóc. Ông khóc khi nghĩ về số phận kém may mắn của mình. Cũng như trong một lần trước, ông đã từng ước nguyện được xuất gia và cũng bị từ chối bởi các vị A-la-hán đệ tử Phật. Ông lão vừa đi vừa khóc, suy nghĩ: “Tốt nhất là ta nên tự tử chết cho rồi, ta nên treo cổ hoặc trầm mình chết dưới sông. Ta chẳng muốn sống để làm gì nữa!”
Vậy mà một niệm chân thành của ông đã cảm ứng đến chư Phật. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni liền đến gặp ông và hỏi: “Tại sao ông khóc?”
Ông trả lời: “Con muốn sống đời xuất gia, nhưng Thế tôn không có ở tinh xá, các đệ tử của ngài không chấp nhận con vào Tăng đoàn. Họ nói con không gieo trồng căn lành và chẳng làm được việc gì tốt trong tám vạn kiếp vừa qua hết thảy. Nên con suy nghĩ thà chết còn hay hơn. Chẳng còn mục đích gì để sống cả.”
Đức Phật nói:
– Đừng khóc nữa! Ta sẽ giúp ông. Ta sẽ đồng ý cho ông xuất gia. Hãy theo ta về tinh xá.”
Lão già theo Đức Phật trở về tinh xá. Và được Đức Phật cho xuất gia. Tất cả những vị A-la-hán đều lấy làm khó hiểu. Họ suy nghĩ:
– Lạ thật! Đức Phật xưa nay chỉ nhận toàn những người đã gieo trồng nhiều căn lành. Tại sao ngày nay lại nhận lão già chẳng gieo trồng chút căn lành nào cả?
Đức Phật biết vậy mới bảo với họ rằng:
– Các ông là hàng A-la-hán , chỉ mới có thể biết được những việc xảy ra trong vòng tám vạn đại kiếp. Còn ngoài khoảng thời gian ấy, các ông hoàn toàn không biết được. Cách đây hơn tám vạn đại kiếp, lão già này là tiều phu đốn củi trong rừng. Một hôm ông ấy gặp phải cọp và leo lên cây để tránh. Con cọp bắt đầu gặm gốc cây, chực muốn ăn sống nuốt tươi người tiều phu. Người ấy quá hoảng hốt kêu lên “Nam-mô Phật.” Con cọp liền bỏ đi, khi cọp đã đi xa rồi, ông tiều phu mới trở về nhà, thoát khỏi nạn cọp vồ.
Chỉ niệm một câu “Nam-mô Phật,” là ông ta đã gieo trồng một thiện căn trong hơn tám vạn đại kiếp trước. Đến bây giờ là lúc hạt giống ấy nẩy mầm và kết trái. Đó là lý do ông lão được nhận cho xuất gia.
Đức Phật giải thích sự sự thắc mắc của các đệ tử A-la-hán như vậy.
Người ấy cho rằng các sự vật hiện hữu đều không có nguyên nhân là vì anh ta không thể biết được những hiện tượng xảy ra trong khoảng thời gian ngoài tám vạn đại kiếp ấy.
Kinh Văn: Do thử kế độ, vong chánh biến tri, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh.
Việt dịch: Do sự suy đoán như vậy, người ấy đánh mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo trở nên mê mờ tánh bồ-đề.
Giảng: Do sự suy đoán như vậy, người ấy đánh mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, trở nên mê mờ tánh bồ-đề.
Anh ta chẳng hiểu được tánh bồ-đề.
Kinh Văn: Thị tắc danh vi, đệ nhất ngoại đạo, lập vô nhân luận.
Việt dịch: Đây gọi là ngoại đạo thứ nhất, lập nên luận thuyết vô nhân.
Giảng: Ma lập nên luận thuyết, cho rằng mọi hiện tượng đều không có nguồn gốc, hoặc không có nguyên nhân tạo ra.
2 – TÀ KIẾN CHẤP THƯỜNG
Kinh Văn: A-nan, thị tam ma trung, chư thiện nam tử, ngưng minh chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên. Ư viên thường trung, khởi kế độ giả, thị nhân trụy nhập tứ biến thường luận.
Việt dịch: A-nan, các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc sự phát sinh của muôn loài, xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng vi tế kia. Trong đó, nếu khởi tâm chấp trước là tánh viên thường, thì sẽ rơi vào bốn luận thuyết biến thường.
Giảng: A-nan, các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề chánh tâm đứng lặng sáng suốt. Hành giả trong lúc thiền quán , chánh tâm đứng lặng, sáng trong. Chánh tâm của hành giả có được trí tuệ từ năng lực của thiền định. Nên thiên ma không có cơ hội quấy phá. Bây giờ, thiên ma không còn có thể dùng ma thuật để nhiễu loạn hành giả được nữa. Nhưng thỉnh thoảng từ trong hành ấm lại hiện ra một loại biến hóa, khiến cho hành giả khởi vọng niệm, tà ý. Đây gọi là: “Ma sinh từ trong tâm.” Là một loại ma sinh khởi từ trong tâm của chính hành giả.
Trong khi quán sát sâu xa nguồn gốc phát sinh của muôn loài, hành giả xét cái cội gốc thường chuyển động lăng xăng u ẩn kia.
Anh ta quán sát tánh chất của manh mối cực kỳ u ẩn của tất cả mọi loài chúng sanh. Nơi ấy anh ta thấy được một sự lăng xăng nhiều động thường xuyên rất vi tế.
Trong đó, nếu khởi tâm chấp đó là tánh viên thường, thì sẽ rơi vào bốn luận thuyết biến thường.
Anh ta có thể sẽ phát khởi một thứ tà kiến, một loại suy lường sai lạc. Nên rơi vào bốn quan niệm biến thường. Bốn thứ luận biến thường là gì?
Kinh Văn: Nhất giả thị nhân, cùng tâm cảnh tính, nhị xứ vô nhân. Tu tập năng tri, nhị vạn kiếp trung, thập phương chúng sanh, sở hữu sanh diệt, hàm giai tuần hoàn, bất tăng tán thất, kế dĩ vi thường.
Việt dịch: Một là, người ấy nghiên cứu tột cùng tâm cảnh, cả hai đều không có nhân. Tu tập biết được trong hai muôn kiếp, chúng sanh trong mười phương trải qua xoay vần sanh diệt mà không mất hẳn, nên chấp là thường.
Giảng: Một là, người ấy nghiên cứu tột cùng tâm cảnh. Hành giả nghiên cứu tột cùng bản tánh của tâm và cảnh. Anh ta phát khởi một suy nghĩ sai lạc và kết luận rằng cả hai tâm và cảnh đều không có nhân. Đều không có cội gốc, nơi mà chúng sinh khởi.
Tu tập biết được trong hai muôn kiếp, chúng sanh trong mười phương trải qua xoay vần sanh diệt mà không mất hẳn
Nhờ có công phu tu tập, anh ta có thể biết được trong hai muôn kiếp những chúng sanh trong mười phương trải qua vòng sanh diệt vô cùng vô tận mà không dứt hẳn.
Do tu tập mà có định lực nên biết được sự sinh ra và chết đi của toàn thể các loại chúng sanh ở mười phương trong vòng hai vạn kiếp. Thấy được chúng sanh trải qua những vòng luân hồi bất tận, sanh ra rồi chết đi liên tục mãi mãi mà không bao giờ tan mất hẳn.Nên chấp là thường. Do vậy hành giả chấp tâm cảnh ấy là thường. Không bao giờ cải biến thay đổi cả.
Kinh Văn: Nhị giả thị nhân, cùng tứ đại nguyên, tứ tánh thường trụ. Tu tập năng tri, tứ vạn kiếp trung, thập phương chúng sanh, sở hữu sanh diệt, hàm giai thể hằng, bất tăng tán thất, kế dĩ vi thường.
Việt dịch: Hai là người ấy nghiên cứu tột cùng cội gốc của tứ đại, cho rằng tánh của nó là thường trụ. Tu tập biết được trong bốn muôn kiếp, chúng sanh trong mười phương tuy có trải qua sống chết, nhưng bản thể là thường hằng, không bao giờ tan mất, nên chấp đó là thường.
Giảng: Luận điểm thứ hai là gì? Là người ấy nghiên cứu tột cùng cội gốc của tứ đại, cho rằng tánh của nó là thường trụ. Hành giả nghiên cứu tột cùng cội gốc của tứ đại đất nước, lửa gió, kết luận tánh của nó là thường trụ.
Anh ta tuyên bố rằng: “Bản thể của đất nước gió lửa là thường còn, không thể biến hoại.” Thực ra đất nước gió lửa có được là do vọng tưởng của chúng sanh và hoàn toàn không có thể tánh. Không có thể tánh làm sao nó lại thường được? Đây là một quan niệm sai lầm.
Qua công phu tu tập, biết được trong bốn muôn kiếp, chúng sanh trong mười phương tuy có trải qua sống chết, nhưng bản thể của chúng sanh lại thường hằng, không bao giờ tan mất. Do vậy, nên hành giả chấp trạng thái ấy là thường.
Anh ta cho rằng bản chất của sanh diệt là thường hằng không biến đổi, nó không bao giờ gián đoạn. Đó là luận điểm thứ hai.
Kinh Văn: Tam giả thị nhân, cùng tận lục căn, mạt-na chấp thọ, tâm ý thức trung, bản nguyên do xứ, tánh thường hằng cố. Tu tập năng tri bát vạn kiếp trung, nhất thiết chúng sanh tuần hoàn bất thất, bản lai thường trụ. Cùng bất thất tánh, kế dĩ vi thường.
Việt dịch: Ba là, người ấy nghiên cứu cùng tột nguyên do bản lai của lục căn, của sự chấp thụ ở thức mạt-na và của tâm ý thức, thấy bổn tánh của nó vốn thường hằng. Tu tập biết được trong tám vạn kiếp, tất cả chúng sanh xoay vần không mất, xưa nay vốn thường trụ. Nghiên cứu cùng tột tánh không mất ấy, chấp cho là thường.
Giảng: Ba là, người ấy nghiên cứu cùng tột nguyên do bản lai của lục căn
Người ấy nghiên cứu cùng tột nguyên do bản lai của thức thứ sáu. Thức thứ sáu còn gọi là ý thức. Mạt-na thức còn gọi là nhiễm ô thức.
Của sự chấp thủ ở thức Mạt-na, và của tâm ý thức, tức là của thức thứ sáu và thức thứ bảy.
Thấy bổn tánh của nó vốn thường hằng. Qua công phu tu tập. Dùng công phu: “phản văn văn tự tánh .” Biết được trong tám vạn kiếp, tất cả chúng sanh trong mười phương xoay vần luân chuyển trong luân hồi không hề tan mất và không hề thay đổi,vốn xưa nay vốn thường trụ. Nghiên cứu cùng tột tánh không tan mất ấy chấp cho là thường. Không bị chi phối bởi sự thay đổi.
Kinh Văn: Tứ giả thị nhân, kí tận tưởng nguyên. Sanh lí cánh vô, lưu chỉ vận chuyển, sanh diệt tưởng tâm, kim dĩ vĩnh diệt. Lí trung tự nhiên thành bất sanh diệt. Nhân tâm sở độ kế dĩ vi thường.
Việt dịch: Thứ tư là người ấy đã tiêu dung được căn nguyên tưởng ấm . Lý sanh khởi không còn nữa, trạng thái lưu chuyển đứng lặng xoay vần, tâm tưởng sanh diệt, nay vĩnh viễn không còn. Trong lý tự nhiên, thành không sanh diệt. Do tâm niệm suy lường như thế, mà chấp cho là thường.
Giảng: Thứ tư là người ấy đã tiêu dung được căn nguyên tưởng ấm .
Thứ tư là do hành giả đã tiêu dung được căn gốc của tưởng ấm ,.
Lý sanh khởi không còn nữa.
Một khi đã vượt qua được tưởng ấm , thì cội nguồn của sự sanh khởi vọng tưởng cũng không còn nữa. Hành giả có được định lực, hóa giải hết những vọng tưởng từ tâm thức. Với tâm ngưng lặng sáng suốt, hành giả không còn cơ hội nuôi dưỡng vọng tưởng nữa.
Trạng thái lưu chuyển đứng lặng xoay vần của hành ấm , tâm tưởng–vốn là nguyên nhân của sanh diệt, nay vĩnh viễn không còn nữa.
Hành giả không còn vọng tưởng nữa.
Trong lý tự nhiên, thành không sanh diệt.
Thế nên tự nhiên nghĩ rằng: Đây là trạng thái không sanh diệt. Do tâm niệm suy lường như thế, hành giả chấp cho là thường.
Kinh Văn: Do thử kế thường, vong chánh biến tri, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi, đệ nhị ngoại đạo, lập viên thường luận.
Việt dịch: Do suy luận chấp thường ấy, quên mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là loại ngoại đạo thứ hai, lập ra thuyết viên thường.
Giảng: Do suy luận chấp thường ấy.
Do suy luận về bốn luận thuyết chấp viên thường ấy, quên mất chánh biến tri, hành giả bỏ mất trí huệ có được từ chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề.
Một khi đã rơi vào tà thuyết ngoại đạo, người ấy không thể nhận ra được tánh bồ-đề.
Đây là loại ngoại đạo thứ hai lập ra thuyết viên thường.
3 – TÀ KIẾN VỪA CHẤP THƯỜNG VỪA CHẤP ĐOẠN
Kinh Văn: Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư tự tha trung, khởi kế độ giả. Thị nhân trụy nhập, tứ điên đảo kiến, nhất phần vô thường, nhất phần thường luận.
Việt dịch: A-nan, các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề chánh tâm đứng lặng sáng suốt. Thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc sự phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường giữa mình và cái khác. Người ấy sẽ rơi vào bốn kiến chấp điên đảo của luận thuyết một phần vô thường, một phần thường.
Giảng: A-nan, các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề chánh tâm đứng lặng sáng suốt. Thiên ma không có cơ hội quấy phá.
Khi hành giả công phu đến mức đạt được định lực kiên cố có được chính tâm. Nên tà ma ngoại đạo không có cơ hội gây chướng ngại hành giả nữa. Tuy nhiên, một loại tà ma có thể sanh khởi ngay trong tự tâm của mình.
Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc sự phát sinh của muôn loài, quán xét manh mối thường chuyển động lăng xăng u ẩn kia. Xuất hiện trong hành ấm ngay tại giai đoạn công phu này.
Nếu móng khởi tâm suy lường giữa mình và cái khác, thì hành giả sẽ rơi vào bốn kiến chấp điên đảo của luận thuyếtmột phần vô thường, một phần thường.
Say mê thích thú trong sự suy lường về giữa mình và người khác. Hành giả tạo nên một thứ ma ngay trong tâm mình và rơi vào bốn thứ kiến chấp điên đảo. Nó nói rằng: “Các pháp là thường lẫn vô thường, là sinh lẫn diệt, là động lẫn tịnh, là ô nhiễm lẫn trong sạch, là sống lẫn chết.” Nó bào chữa biện hộ cho cả hai phía. Không quyết đoán ở một phía nào cả. Nó nói: “Bên này đúng và bên kia cũng đúng.” Nó nói vạn pháp là vô thường nhưng cũng nói vạn pháp là thường. Đó là điên đảo, thiếu tính nhất quán , làm rối loạn tâm người.
Kinh Văn: Nhất giả thị nhân, quán diệu minh tâm, biến thập phương giới. Trạm nhiên dĩ vi, cứu cánh thần ngã. Tòng thị tắc kế, ngã biến thập phương, ngưng minh bất động. Nhất thiết chúng sanh, ư ngã tâm trung, tự sanh tự tử. Tắc ngã tâm tánh, danh chi vi thường, bỉ sanh diệt giả, chân vô thường tánh.
Việt dịch: Một là, người ấy quán xét tâm tánh sáng suốt vi diệu khắp cùng mười phương. Cho trạng thái lặng lẽ sâu kín ấy làthần ngã rốt ráo. Nên hành giả chấp cái ngã của mình thì trong lặng sáng suốt, bất động, trùm khắp mười phương. Còn các loài chúng sanh đều lưu xuất từ tâm ta, chúng tự sinh tự diệt. Vậy nên tâm tánh của ta là thường, trong khi các loài kia phải trải qua sanh diệt, nên chúng thực sự là vô thường.”
Giảng: Hành giả nói gì trong luận điểm thứ nhất này?
Một là, người ấy quán xét tâm tánh sáng suốt vi diệu khắp cùng mười phương.
Trước tiên hành giả, người đang tu đạo, quán sát tâm tánh sáng suốt, vi diệu khắp cùng mười phương. Cho rằng trạng thái lặng lẽ sâu kín và thanh tịnh ấy là thần ngã rốt ráo. Nên hành giả chấp “cái ngã” của mình thì trong lặng sáng suốt, bất động trùm khắp mười phương.
Tâm ta là một cảnh giới như như bất động, sung mãn định lực, đầy đủ trí huệ sáng suốt và bất động.
Nó nói: “Do vì tâm ta trùm khắp mười phương nên tất cả các loài chúng sanh đều lưu xuất từ tâm ta, chúng nó tự sinh tự diệt mãi không ngừng. Do vậy tâm tánh của ta là thường, không phải chịu sanh tử trong khi các loài kia phải trải qua sanh diệt, nên chúng thực sự là vô thường.”
Chúng sanh lưu xuất từ tâm ra vẫn liên tục chịu sự sanh diệt. Do vậy bản chất chúng nó phải là vô thường. Còn tâm tánh ta trùm khắp mười phương, thường hằng không biến đổi. Nhưng các loài chúng sanh trong đó phải trải qua sanh diệt, nên chẳng phải là vô thường.
Kinh Văn: Nhị giả thị nhân, bất quán chân tâm, biến quán thập phương, hằng sa quốc độ. Kiến kiếp hoại xứ, danh vi cứu cánh, vô thường chủng tánh. Kiếp bất hoại xứ, danh cứu cánh thường.
Việt dịch: Thứ hai là, người ấy không quán xét tâm mình, lại quán xét mười phương cõi nước nhiều như cát sông Hằng. Thấy có nơi đang trong kiếp hoại, cho nơi đó có tính rốt ráo vô thường. Còn những nơi rốt ráo thường hằng là không ở trong kiếp hoại.
Giảng: Thứ hai là, người ấy không quán xét tâm mình, lại quán xét mười phương cõi nước nhiều như cát sông Hằng.
Hành giả không quán xét nơi tâm mình, mà trên hết lại thấy tâm mình trùm khắp mười phương. Hơn nữa, hành giả nhìn ra ngoài cõi nước mười phương nhiều như cát sông Hằng.
Thấy có nơi đang trong kiếp hoại, cho nơi đó có tính rốt ráo vô thường. Còn những nơi tốt ráo thường hằng là không ở trong kiếp hoại.
Anh ta thấy một thế giới nào đó đã đến kiếp hoại trong vòng biến chuyển thành, trụ, hoại, không. Anh ta tuyên bố rằng: “Nơi ấy có tánh vô thường một cách tuyệt đối.” Còn thấy những nơi chưa đến kiếp hoại thì anh ta cho rằng nơi ấy rốt ráo thường hằng. Đó là cả hai thứ quan niệm thường và vô thường.
Kinh Văn: Tam giả thị nhân, biệt quán ngã tâm, tinh tế vi mật, do như vi trần, lưu chuyển thập phương, tánh vô di cải, năng linh thử thân tức sanh tức diệt. Kì bất hoại tánh, danh ngã tánh thường. Nhất thiết tử sanh, tòng ngã lưu xuất, danh vô thường tánh.
Việt dịch: Thứ ba, người ấy quán sát chỉ riêng tâm mình, thấy nó rất mầu nhiệm, vi tế, giống như vi trần lưu chuyển khắp mười phương mà tánh chất không dời đổi, khiến cho thân này sinh rồi lại diệt. Nến chấp tánh không biến diệt ấy là tánh thường của mình. Còn tất cả sự sanh diệt lưu xuất từ tâm mình là tánh vô thường.
Giảng: Thứ ba, người ấy quán sát chỉ riêng tâm mình. Trong luận thuyết điên đảo thứ ba, Hành giả quán sát chỉ riêng tâm mình,thấy nó rất mầu nhiệm vi tế. Hành giả nghiên cứu kỹ lưỡng tâm mình trong lãnh vực vi tế, tinh mật nhất. Nhưng lãnh vực này quá vi diệu đến nỗi rất khó nhận ra. Đó là tính chất của hành ấm . Trạng thái này giống như những loại sóng gợn lăn tăn trên mặt nước, hoặc làgiống như vi trần lưu chuyển khắp mười phương. Liên tục trôi chảy không hề dừng nghỉ, mà tánh chất không dời đổi, trong khi thân này sinh rồi lại diệt. Điều ấy khiến cho thân mạng phải trải qua vô số lần sanh tử.
Nên chấp tánh không biến diệt trong dòng lưu chuyển liên tục ấy là tánh thường của mình.
Anh ta nói: “Đây là tánh thường hằng của tự tánh tôi.”
Còn tất cả các hiện tượng phải trải qua sanh diệt, lưu xuất từ tâm mình là tánh vô thường.
Anh ta nói: “Tất cả chúng sanh đều trôi trong vòng sống chết vô tận, đều lưu xuất từ bản tánh vô thường ở trong tâm ta. Nên hết thảy chúng sanh ấy đều được gọi là vô thường.
Kinh Văn: Tứ giả thị nhân, tri tưởng ấm tận, kiến hành ấm lưu. Hành ấm thường lưu, kế vi thường tánh. Sắc thọ tưởng đẳng, kim dĩ diệt tận, danh vi vô thường.
Việt dịch: Thứ tư, người ấy biết rằng tưởng ấm đã tiêu dung, thấy hành ấm đang lưu chuyển. Chấp sự lưu chuyển liên tục của hành ấm là thường. Còn sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm đã được tiêu dung rồi là vô thường.
Giảng: Thứ tư, người ấy biết rằng tưởng ấm đã tiêu dung, hành giả biết tưởng ấm đã không còn, thấy hành ấm đang lưu chuyểnmột cách vi tế như gợn sóng lăn tăn trên mặt nước. Trong công phu quán chiếu, hành giả chấp sự lưu chuyển liên tục của hành ấm là thường. Thấy sự lưu chuyển ấy liên tục không có gì thay đổi, nên kết luận: “Ồ! Tánh chất của nó chắc là thường hằng.”
Còn sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm đã được tiêu dung rồi là vô thường.
Do vì thọ ấm , tưởng ấm không còn nữa nên anh ta nghĩ chúng phải là vô thường.
Kinh Văn: Do thử kế độ, nhất phần vô thường, nhất phần thường cố, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi, đệ tam ngoại đạo, nhất phần thường luận.
Việt dịch: Do những chấp trước về một phần thường và một phần vô thường này nên người ấy rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là thuyết ngoại đạo thứ ba chủ trương luận thuyết một phần thường.
Giảng: Do những luận thuyết sai lầm căn cứ vào chấp trước về một phần thường và một phần vô thường này nên hành giả sẽ đánh mất chánh biến tri, rơi vào ngoại đạo, thành ra mê mờ tánh Bồ-đề.
Anh ta nói: “Hiện tượng này là thường, và hiện tượng kia là vô thường.” Vì anh ta đã mang quan điểm điên đảo này rồi, và chẳng hiểu được những điều sâu kín trong lý luận ấy, nên anh ta bị lạc vào tà thuyết của ngoại đạo, và trở nên mê mờ tánh bồ-đề.
Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ ba, chủ trương luận thuyết một phần thường, đó là luận thuyết điên đảo thứ ba mà hàng ngoại đạo chủ trương, xác quyết rằng mọi vật là một phần thường, một phần vô thường.
4 – TÀ KIẾN CHẤP CÓ
Kinh Văn: Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh thường nhiễu động nguyên, ư phần vị trung, sanh kế độ giả. Thị nhân trụy nhập, tứ hữu biên luận.
Việt dịch: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường về phận vị. Người ấy rơi vào bốn thứ luận hữu biên.
Giảng: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm ngưng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.
Hành giả trong lúc thiền quán , chánh tâm ngưng lặng sáng suốt, thiên ma không khuấy phá được nữa.
Điều này liên quan đến những người tu tập pháp môn phản văn văn tự tánh , đã đạt được sự viên thông của nhĩ căn. Khi hành giả vượt qua được ba ấm: sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm ; là đã có được định lực kiên cố và chánh tâm. Do đó thiên ma ngoại đạo không thể nhiễu loạn tâm tánh hành giả được nữa. Trong khi sắc ấm, thọ ấm chưa tiêu dung. Thiên ma có thể nhiễu loạn hành giả một cách trực tiếp. Nhưng khi hành giả đang tiêu trừ tưởng ấm, thiên ma không thể nhiễu hại bằng cách trực tiếp nữa, mà phải thông qua tưởng ấm, việc gá vào một người khác mới có thể phá hủy được định lực của hành giả. Bây giờ, tại giai đoạn chuyển hóa hành ấm , Thiên ma không còn phá hủy định lực của hành giả, cho dù nó có gá vào người khác đi nữa. Đó là ý nghĩa của chánh tâm ngưng lặng sáng suốt. Thiên ma không có dịp thuận tiện khuấy phá được nữa.
Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc phát sinh của muôn loài, hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội nguồn của các mười hai loại chúng sanh, thấy được manh mối thường chuyển động vi tế kia.
Hành giả quán sát được tính chất tạm bợ thoáng chốc, và ẩn mật sâu kín của các loại chúng sinh ở trong sự chuyển động vi tế nhỏ nhiệm của hành ấm này.
Khởi tâm suy lường về phận vị. Người ấy rơi vào bốn thứ luận hữu biên.
Nhưng nếu hành giả khởi niệm suy lường, lập nên sự phân biệt… Trầm tư suy xét, lập nên bốn loại phân biệt mà ta sẽ thảo luận sau đây. Liền rơi vào bốn thứ luận hữu biên. Sự suy lường ấy làm sinh khởi trong tâm hành giả một thứ vọng chấp về hữu biên. Đó là vọng chấp về bốn loại luận hữu biên, đó một tà thuyết của ngoại đạo.
Kinh Văn: Nhất giả thị nhân, tam kế sanh nguyên, lưu dụng bất tức, kế quá vị giả, danh vi hữu biên, kế tương tục tâm, danh vi vô biên.
Việt dịch: Một là người ấy suy luận về cội gốc sanh diệt trôi chảy biến dịch không ngừng, xét đoán quá khứ tương lai là hữu biên, còn chấp sự tương tục của tâm là vô biên.
Giảng: Luận điểm đầu tiên về bốn thứ phân biệt có quan hệ đến thời gian: quá khứ, hiện tại, vị lai. Nên có câu:
“Tam tế cầu tâm, tâm bất hữu.”
Nghĩa là, dù có bỏ hết cả ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai mà cầu thấy tâm, rốt ráo không thể được.
“Hiện tại tâm bất khả đắc, quá khứ tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.”
Tại sao vậy? Hãy nhìn vào quá khứ. Cái gì là quá khứ? Cái quá khứ đã đi mất rồi. Thế nên cái tâm quá khứ không thể nắm bắt được. Cũng như hiện tại nó không hề dừng. Ngay bây giờ, nếu quý vị nói đây là hiện tại, thì nó cũng đã đi trôi qua rồi! Hiện tại không bao giờ ở yên cố định cả. Vậy thì tâm hiện tại của quý vị nay ở nơi đâu? Còn tâm vị lai thì sao? Tương lai chưa đến. Vì nó chưa đến, nên nó không hiện hữu. Do vậy.
Tam tế cầu tâm, tâm bất hữu
Tâm bất hữu xứ, vọng nguyên vô.
Tâm đã rốt ráo không rồi, thì vọng tưởng do đâu mà có? Nếu quý vị hiểu được đạo lý này. Quý vị sẽ nhận ra vạn pháp xưa nay vốn là không, đều lưu xuất từ tánh Như Lai tạng .
Tuy nhiên hành giả đã móng khởi một niệm chấp trước, chấp trước điều gì? Đó là quan niệm hữu biên và vô biên. Anh ta nói rằng vạn vật vừa là hữu biên, vừa là vô biên. Lập nên cái gọi là “luận thuyết” về hữu biên và vô biên của vạn vật.
Một là người ấy suy luận về cội gốc sanh diệt trôi chảy biến dịch không ngừng,
Trong trạng thái chuyển hóa hành ấm , hành giả phỏng đoán rằng cội gốc của mười hai loại chúng sanh trôi nổi sống chết không cùng tận. Dòng biến dịch trôi chảy không ngừng ấy là một sự biểu thị cho hành ấm vậy.
Lúc ấy hành giả xét đoán quá khứ tương lai là hữu biên. Anh ta nói rằng “quá khứ và vị lai cả hai đều có giới hạn cả” thật là vô lý. Quá khứ, vị lai làm sao mà đặt giới hạn cho nó được? Căn cứ vào suy luận sai lạc, và suy chấp này. Anh ta cho rằng quá khứ vị lai là hữu biên. Nhưng thực ra quá khứ, vị lai thì vô biên.
Trong quá trình tu tập do vì thiếu trí huệ nên hành giả đã bị lạc đường, nên vừa tiêu dung được tưởng ấm , anh ta bị lạc mất chính lộ khi đang chuyển hóa hành ấm . Đó là lý do tại sao hành giả sanh khởi kiến chấp hữu biên vô biên.
còn chấp sự tương tục của tâm là vô biên.
Anh ta nói: “Sự tương tục không dừng nghĩ của tâm niệm trong hiện tại thì không có ngằn mé và giới hạn nên nói là vô biên.”
Kinh Văn: Nhị giả thị nhân, quán bát vạn kiếp, tắc kiến chúng sanh. Bát vạn kiếp tiền, tịch vô văn kiến. Vô văn kiến xứ, danh vi vô biên, hữu chúng sanh xứ, danh vi hữu biên.
Việt dịch: Hai là người ấy quán sát trong tám vạn kiếp, thấy có chúng sanh. Còn ngoài tám vạn kiếp thì vắng bặt, không thấy không nghe được gì cả. Cho rằng nơi không thấy không nghe được gì là vô biên, còn nơi có chúng sanh là hữu biên.
Giảng: Loại phân biệt thứ hai là gì? Đó phân biệt về những gì anh ta nghe thấy được, và những gì anh ta không nghe thấy được. Anh ta sắp xếp những gì anh ta nghe thấy được về một phía và những gì không nghe thấy được về một phía khác. Vì thế anh ta lại rơi vào thế nhị biên một lần nữa. Chưa đạt được nghĩa trung đạo .
Hai là người ấy quán sát trong tám vạn kiếp, thấy có chúng sanh.
Khi hành giả ngồi thiền, năng lực của định giúp cho hành giả có thể thấy được những hiện tượng trong tám vạn đại kiếp, và có thể thấy được mười hai loại chúng sanh trong phạm vi ấy.
Còn ngoài tám vạn kiếp thì vắng bặt, không thấy không nghe được gì cả. Anh ta có thể thấy được rất rõ ràng những sự kiện trong khoảng tám vạn kiếp. Anh ta có thể thấy được các loại chúng sanh phải chịu trải qua vô số lần sinh tử. Nhưng anh ta không thể nghe hoặc thấy những hiện tượng xảy ra bên ngoài khoảng thời gian ấy.
Hành giả cho rằng nơi không thấy không nghe được gì cả là vô biên, không có giới hạn. Và nơi có chúng sanh là hữu biên. Hành giả lại rơi vào nhị biên lần nữa. Thành ra chấp có và chấp không. Có nghĩa dính chặt vào quan niệm mọi hiện tượng đều là ngoan không. Chấp có nghĩa là dính mắc với sắc. Cả hai đều chẳng khế hợp với trung đạo . Do vậy Đức Phật phê phán hạng người này là theo tà giáo ngoại đạo.
Kinh Văn: Tam giả thị nhân, kế ngã biến tri, đắc vô biên tánh, bỉ nhất thiết nhân, hiện ngã tri trung, ngã tằng bất tri, bỉ chi tri tánh. Danh bỉ bất đắc, vô biên chi tâm, đãn hữu biên tánh.
Việt dịch: Ba là người ấy chấp rằng mình biết cùng khắp, là được tánh vô biên, còn các người kia đều hiện ra trong cái biết của mình, mà mình chưa từng biết họ nhận ra được tánh biết. Cho rằng những người kia không đạt được tâm tánh vô biên mà chỉ đạt được tâm tánh hữu biên.
Giảng: Ba là người ấy chấp rằng mình biết cùng khắp, là được tánh vô biên. Hành giả chấp rằng cái biết cùng khắp của mình là tánh vô biên. Loại phân biệt thứ ba là phân biệt giữa cái ta của hành giả và cái khác. Cái khác ở đây liên quan đến tất cả chúng sanh, và ngã liên quan đến chính hành giả. Anh ta tạo nên một vọng chấp nữa và trở nên dính mắc với nó. Anh ta nói: “Tôi cảm thấy tôi có một loại trí tuệ biết trùm khắp tất cả.” Nghĩa là sao? Biết khắp tất cả có nghĩa là không có gì mà chẳng biết. Do vậy nó có khả năng đạt đến một loại tánh vô biên.
Còn các người kia, các loại chúng sanh đều hiện ra trong cái biết của mình tất cả đều được bao quát trong trí tuệ của hành giả. Mà mình chưa từng biết họ nhận ra được tánh biết. Hành giả cho rằng những người kia không đạt được tâm tánh vô biên, mà chỉ đạt được tâm tánh hữu biên.
Chúng sanh chưa đạt được tâm vô biên, nhưng chính hành giả lại có. Do vì anh ta không biết được tánh biết của họ nên cho rằng họ không đạt được tâm vô biên và không có trí tuệ hiểu biết vô biên, mà chỉ có một trí tuệ hạn cuộc. Đó là sự phân biệt giữa tự ngã và cái khác.
Kinh Văn: Tứ giả thị nhân, cùng hành ấm không. Dĩ kì sở kiến, tâm lộ trù độ, nhất thiết chúng sanh, nhất thân chi trung, kế kì hàm giai, bán sanh bán diệt. Minh kì thế giới, nhất thiết sở hữu. Nhất bán hữu biên, nhất bán vô biên.
Việt dịch Bốn là người ấy khi nghiên cứu tột cùng hành ấm đến chỗ rốt ráo không. Do những điều thấy được, suy luận rằng tất cả chúng sanh trong mỗi thân phần, gồm có nữa phần sanh, nửa phần diệt. Cho rằng rõ ràng mọi thứ trong đời một nửa là hữu biên, một nửa là vô biên.
Giảng: Bốn là người ấy khi nghiên cứu tột cùng hành ấm đến chỗ rốt ráo không. Hành giả nghiên cứu cùng tột hành ấm đến chỗ rốt ráo không. Loại phân biệt thứ tư là gì? Đó là sự sanh và diệt. Hành giả nghiên cứu hành ấm đến mức tột cùng đến khi nó biến thànhkhông.
Do những điều thấy được. Căn cứ vào những điều thấy được, và hiểu được từ nghiên cứu, suy luận rằng tất cả chúng sanh, trong mỗi thân phần, gồm có nửa phần sanh, nửa phần diệt.
Đây là một vọng chấp khác. Hành giả thấy trong trọn phần thân thể của mỗi chúng sanh, đều có một phần sanh, một phần diệt. Vì tất cả chúng sanh đều như thế. Hành giả đi đến kết luận như thế và toàn thể pháp giới.
Từ đây, kết luận rằng tất cả vạn vật trong đời đều có một nửa là hữu biên, một nửa là vô biên.
Sự sanh ra là một mặt của hữu biên. Sự hoại diệt là mặt khác của vô biên. Đó là sự suy lường của hành giả. Mới thấy anh ta càng lúc càng đi xa mục tiêu.
Kinh Văn: Do thử kế độ, hữu biên vô biên, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi, đệ tứ ngoại đạo, lập hữu biên luận.
Việt dịch: Do những chấp trước hữu biên, vô biên như thế, nên người ấy rơi vào ngoại đạo, mê lầm tánh bồ-đề. Đây là luận hữu biên, thuyết thứ tư của hàng ngoại đạo.
Giảng: Do những chấp trước hữu biên, vô biên như thế, nên người ấy rơi vào ngoại đạo, mê lầm tánh bồ-đề. Theo bốn thứ suy luận về hữu biên và vô biên, anh ta phỏng đoán những gì? Nếu nó không hữu biên, thì nó vô biên. Nếu nó không vô biên thì nó hữu biên. Anh ta cứ lý luận lẩn quẩn như vậy. Nói tóm lại hành giả không thể đạt được lý trung đạo . Hoặc là anh ta đi đã quá xa, hoặc là anh ta đi chưa đủ xa. Hoặc là anh ta chạy đã quá đà, hoặc là chưa đi được. Dù chỉ một bước chân. Do vậy nên hành giả đánh mất chánh biến tri và rơi vào ngoại đạo.
Tà thuyết của ngoại đạo là: khi thì thái quá, khi thì bất cập. Không thái quá, chẳng bất cập mới được gọi là trung đạo . Chúng ta nên tu tập theo lý trung đạo. Đức Phật giảng dạy chân lý Tối thượng về trung đạo là chẳng chấp và không, cũng chẳng rơi vào có. Nếu chúng ta trệ vào phía hữu biên hoặc nghiêng vào phía vô biên, có nghĩa là đã rơi vào nhị biên, và như thế là mê lầm tánh bồ-đề chân thật, là không nhận thức rõ được chân tánh bồ-đề.
Đây là luận hữu biên, thuyết thứ tư của hàng ngoại đạo.
5 – TÀ KIẾN VỀ BỐN THỨ LUẬN THUYẾT ĐIÊN ĐẢO
Kinh Văn: Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư tri kiến trung, tánh kế độ giả. Thị nhân trụy nhập, tứ chủng điên đảo, bất tử kiểu loạn, biến kế hư luận.
Việt dịch: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường về những gì mình thấy và biết. Người ấy rơi vào bốn thứ luận điên đảo, hư vọng suy lường chấp trước, ngụy biện về bất tử.
Giảng: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.Hành giả trong khi thiền quán , chánh tâm ngưng lặng vững chắc. Thiên ma không khuấy phá được nữa.
Điều này liên quan đến hết thảy các vị đang công phu tu tập và an trú trong chánh định. Chánh định này ai tu cũng được, không dành riêng cho một người nào. Vì hành giả phải có tâm kiên cố, giữ cho định và huệ đều quân bình. Thì chẳng có một khe hở nào để ma lọt vào. Nhưng dù ngoại ma chẳng xâm nhập được vào hành giả để khuấy phá, thì nội ma lại xuất hiện. Nội ma là một loại ma sanh khởi từ sự chuyển biến tâm thức của hành giả.
Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia. Hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội nguồn của các loài chúng sanh, thấy được manh mối thường chuyển động vi tế kia.
Hành giả xem xét kỹ nguồn gốc của mười hai loài chúng sanh, quán sát bản tánh thanh tịnh tối sơ của các loài, thấy sự nhiễu động thường hằng rất là vi tế ấy xuất hiện ở trong hành ấm .
Khởi tâm suy lường về những gì mình thấy và biết. Nhưng nếu hành giả khởi niệm suy lường về những gì mình thấy biết.
Khi chưa khởi niệm suy lường ấy, thì chẳng có vấn đề gì. Nhưng ngay khi những niệm này sanh khởi liền có rắc rối xảy ra. Cho nên nói:
“Khai khẩu tiện thố, cử niệm tức quai.”
Nghĩa là: Mở miệng liền sai lầm, khởi niệm là sai ngay. Ngay khi vừa khởi vọng niệm, vấn đề rắc rối liền nảy sanh. (34)
Người ấy rơi vào bốn thứ luận điên đảo, hư vọng suy lường chấp trước, ngụy biện về bất tử.
Chấp trước, suy lường là tánh biến kế chấp mà tôi đã giảng ở trước. Nó là một loại vọng chấp, hành giả trở nên chấp trước với những việc không chân chánh. Đó gọi là tánh biến kế chấp.
Kinh Văn: Nhất giả thị nhân, quán biến hóa nguyên, kiến thiên lưu xứ, danh chi vi biến, kiến tương tục xứ, danh chi vi hằng. Kiến sở kiến xứ, danh chi vi sanh. Bất kiến kiến xứ, danh chi vi diệt. Tương tục chi nhân, tánh bất đoạn xứ, danh chi vi tăng. Chánh tương tục trung, trung sở li xứ, danh chi vi giảm. Các các sanh xứ, danh chi vi hữu. Hỗ hỗ vong xứ, danh chi vi vô. Dĩ lí đô quán, dụng tâm biệt kiến. Hữu cầu pháp nhân, lai vấn kì nghĩa, đáp ngôn ngã kim, diệc sanh diệc diệt, diệc hữu diệc vô, diệc tăng diệc giảm. Ư nhất thiết thời, giai loạn kì ngữ, linh bỉ tiền nhân, di thất chương cú.
Việt dịch: Một là người ấy quán sát cội gốc của sự biến hóa, thấy chỗ đổi dời, nên gọi là biến. Thấy chỗ tương tục, gọi là thường hằng. Thấy chỗ thấy được, gọi đó là sanh. Chỗ không thấy được, thì gọi là diệt. Chỗ các nhân tương tục, tánh không dứt đoạn, thì gọi là tăng. Chính trong tương tục, không xa lìa nhau, thì gọi là giảm. Chỗ mỗi mỗi sinh ra, thì gọi là có. Chỗ nương nhau hư hoại, thì gọi là không. Dùng lý quán sát, thấy đều do dụng tâm mà dẫn đến những kiến chấp sai biệt. Nếu có người đến cầu pháp, hỏi về nghĩa ấy thì đáp rằng ta cũng sinh, cũng diệt, cũng có, cũng không, cũng tăng, cũng giảm. Luôn luôn giải thích một cách càn loạn, khiến người nghe không thể hiểu được.
Giảng: Một là người ấy quán sát cội gốc của sự biến hóa, thấy chỗ đổi dời, nên gọi là biến. Hành giả, người sắp sửa đi vào con đường mê loạn, quán sát cội gốc của sự biến hóa ở trong hành ấm thấy chỗ biến dịch trôi chảy nên gọi là biến. Anh ta quan sát sự trôi chảy của hành ấm và nói rằng nó đang trải qua sự biến đổi.
Thấy chỗ tương tục, gọi là thường hằng. Nhận thấy hành ấm tương tục, không hề dừng nghỉ, hành giả gọi là thường hằng.Thường nghĩa là không biến đổi. Biến đổi hàm ý vô thường. Trong khi không biến đổi hàm ý là thường.
Thấy chỗ thấy được, gọi đó là sanh. Thấy nơi có thể thấy được gọi đó là sanh. Khi quán sát hành ấm , hành giả có thể thấy được một số vùng. Thấy được sự nhiễu động vi tế và mô tả nơi ấy là sinh.
Chỗ không thấy được, gọi đó là diệt, hành giả không thể dò thấu những nhiễu động u ẩn của hành ấm , nên gọi đó là diệt.
Nói cách khác, hành giả có thể hiểu rõ được những hiện tượng trong phạm vi tám vạn đại kiếp rồi cho đó là sinh. Anh ta không thể thấy được những gì ngoài phạm vi tám vạn đại kiếp, nên gọi đó là diệt. Điều này tương tự như trường hợp trước.
Hành giả cho rằng, chỗ các nhân tương tục, tánh không dứt đoạn, thì gọi là tăng.
Khi cái nhân tương tục, không bị gián đoạn. Anh ta gọi đó là thêm. Đó là một trạng thái khác của hành ấm mà anh ta cảm nhận được.
Chính trong tương tục, không xa lìa nhau, thì gọi là giảm
Trong phạm vi tương tục, mà có sự tạm dừng, hành giả gọi là bớt. Chẳng hạn như khi hai mươi lăm vị thánh trình bày về pháp tu viên thông của mình. Một trong các vị ấy trình bày về sự ngưng lại giữa hơi thở ra và hơi thở vào. Đó cũng là chỗ dừng. Các ngài gọi sự dừng nghỉ trong phạm vi tương tục là giảm. Nhưng quý vị đừng có theo lý thuyết này, vì đó chỉ là thuật ngữ, là những khái niệm do các ngài lập ra. Nên nó hoàn toàn không thực. Đừng có truy tìm những nguyên do trong các lý thuyết trên. Đó là lý do tại sao những lý thuyết này được ngoại đạo vận dụng để mê hoặc. Chẳng có nguyên do nào xác đáng ở trong những lý thuyết ấy cả.
Chỗ mỗi mỗi sinh ra, thì gọi là có.
Cho rằng sự sinh khởi của tất cả vạn pháp là có, hành giả quan sát vạn pháp sinh khởi trong phạm vi hành ấm , rồi gọi là nó có sự hiện hữu.
Chỗ nương nhau hư hoại, thì gọi là không.
Sự hư hoại của vạn vật là không. Anh ta gọi nơi mà vạn vật hoại diệt và không còn hiện hữu nữa là không. Đây là bốn thứ lý luận điên đảo.
Dùng lý quán sát, thấy đều do dụng tâm mà dẫn đến những kiến chấp sai biệt.
Do sự dụng tâm của hành giả mà đưa đến những mâu thuẫn. Nếu quý vị dùng lý để quán sát, quý vị sẽ thấy những lý luận trên hoàn sai. Hành giả đã dụng tâm hoàn toàn sai lầm.
Vào lúc ấy nếu có người đến cầu pháp, thỉnh cầu chỉ dạy về pháp yếu của đạo Phật, hỏi về nghĩa ấy, đáp rằng ta cũng sinh, cũng diệt, cũng có, cũng không, cũng tăng, cũng giảm.
Anh ta trả lời :“Nay ta cũng sinh cũng diệt, cũng có cũng không, cũng tăng cũng giảm.”
Luôn luôn giải thích một cách càn loạn.
Anh ta luôn luôn biện hộ bào chữa cho hai cực đoan này. Nếu anh ta không nói về có, thì anh ta kết luận nó là không. Nếu anh ta tránh bàn luận về không thì anh ta nói đến sắc, vì anh ta đề cập đến cả hai khía cạnh, nên không thể đạt đến lý trung đạo .
Khiến người nghe không thể nào hiểu được. Gây cho người tìm hiểu Phật pháp đối diện với lối giải thích càn loạn. Người hỏi hoàn toàn quên mất những vấn đề mình đang cần tìm hiểu và không thể nhớ là mình đến đây để xin chỉ dạy điều gì nữa. Các ông nên gọi đó là loại giáo dục gì? Khi người ta đến xin chỉ dạy, nhưng hành giả làm cho họ bị rối loạn đầu óc cho đến khi họ đánh mất toàn bộ nhận thức chân chính. Không những họ bị đánh mất những tri thức có được do học hỏi, mà còn bị mê mờ luôn cả trí tuệ thanh tịnh vốn hằng có xưa nay. Người này đã bị mê lầm và còn tiếp tục làm cho nhiều người khác bị mê lầm.
Kinh Văn: Nhị giả thị nhân, đế quán kì tâm, hỗ hỗ vô xứ. Nhân vô đắc chứng. Hữu nhân lai vấn, duy đáp nhất tự, đãn ngôn kì vô. Trừ vô chi dư, vô sở ngôn thuyết.
Việt dịch: Hai là người ấy quán sát chân xác tâm mình, thấy hết thảy mọi thứ đều là không. Nhân nơi cái không mà có chứng đắc. Nên khi có người đến hỏi chỉ đáp một chữ không. Ngoài chữ không ra, không nói điều gì.
Giảng: Hành giả chỉ biết về không, nên nói một cách điên loạn như vậy. Anh ta chối bỏ sự hiện hữu của mọi vật. Bất luận quý vị có hỏi anh ta điều gì. Anh ta đều đáp: không. Đó là lời đáp duy nhất của anh ta.
Hai là người ấy quán sát chân xác tâm mình, thấy hết thảy mọi thứ đều là không. Trong mười hai loại chúng sanh, hành giả thấy khi tâm mình đã tiêu dung được hành ấm , thì nó cùng với mình đều là không hiện hữu.
Nhân nơi cái không mà có chứng đắc. Hành giả thấy có sự chứng đắc nhân nơi nhận thức về cái không này. Anh ta cho rằng mình đã giác ngộ được nhận nơi nhận thức về không ấy rồi. Thực ra, anh ta chẳng hiểu gì cả. Anh ta đã đi quá xa với đạo lý chân chính. Nhận thức của anh ta hoàn toàn sai lạc. Anh ta phát khởi một kiến chấp vào không và cho đó là điều giác ngộ. Anh ta giác ngộ cái gì? Giác ngộ chữ không.
Vì thế, nên khi có người đến hỏi chỉ đáp một chữ không. Anh ta chỉ đáp một chữ. Mọi người đều nghĩ rằng anh ta là người tu hành dày dặn. Vì anh ta luôn luôn nhắm mắt lại để dưỡng thần. Suốt ngày không nói một chữ nào. Anh ta chỉ ăn vài trái chuối trong ngày. Mọi người cho rằng anh là thánh, nên đến cầu xin giảng pháp. Khi họ hỏi, anh ta chỉ biết giả dạng mô phạm bằng cách chỉ đáp một chữ. Chiến thuật này được gọi là Thiền một chữ. Người ta gọi thế là vì họ không hiểu anh ta nói gì. Bất kỳ quý vị hỏi anh ta về điều gì.
Anh ta chỉ đáp không.
Nếu quý vị có hỏi:
– Tôi nên tu hành như thế nào?
Anh ta đáp: không.
– Tôi nên niệm Phật như thế nào? không.
– Thọ giới, giữ gìn luật nghi, việc ấy ông nghĩ tốt chăng?
– Không.
Anh ta liên tục đáp không khiến quý vị hoang mang và quên hết những gì định hỏi. Quý vị thắc mắc không hiểu ông ta nói khônglà không cái gì? Quý vị không thể tự giải đáp nổi. Cuối cùng nó đánh mạnh vào tâm thức quý vị “Ồ! Thực ra là chẳng có cái gì cả. Đúng là chẳng có cái gì hết.”
Ngoài chữ không ra, ngoài những chữ không, không nói điều gì, anh ta chẳng nói gì cả.
Quý vị có thể hỏi anh ta một đến 100, 1.000, vạn câu hỏi. Nhưng anh ta sẽ luôn luôn trả lời không. Thế là quý vị nghĩ rằng: “Lý thiền ông ta nói quá cao xa. Chúng ta không thể nào với tới được.”
Kinh Văn: Tam giả thị nhân, đế quán kì tâm, các các hữu xứ. Nhân hữu đắc chứng. Hữu nhân lai vấn, duy đáp nhất tự, đãn ngôn kì thị. Trừ thị chi dư, vô sở ngôn thuyết.
Việt dịch: Ba là người ấy quán sát chân xác tâm mình, thấy hết thảy mọi thứ đều hiện hữu (có). Nhân nơi cái có mà chứng đắc. Nên khi người đến hỏi chỉ đáp một chữ có. Ngoài chữ có ra, không nói gì khác.
Giảng: Trong loại lý luận điên đảo càn loạn thứ ba này.
Ba là người ấy quán sát chân xác tâm mình, thấy hết thảy mọi thứ đều hiện hữu (có).
Anh ta tự quán sát vào sâu trong tâm mình và thấy mười hai loại chúng sinh đều trải qua chỗ có sự sinh tử này. Nhân nơi cái cómà chứng đắc. Nghĩ rằng mình có sự chứng đắc từ nhận thức về có. Thực vậy, anh ta chẳng chứng được quả vị gì cả. Trong kinh chỉ nói để mô tả sự nhầm lẫn của anh ta mà thôi. Hành giả quán sát các loại chúng sanh rồi nói: “À! Toàn là có cả.” Thấy được điều này anh ta nghĩ là mình đã giác ngộ và chứng được quả vị.
Nên khi có người đến hỏi. Chỉ đáp một chữ có.
Bất luận người ta hỏi về pháp gì? Anh ta cũng chỉ đáp một chữ có.
Quý vị hỏi:
Tôi muốn rời gia đình xuất gia làm một vị Tăng. Việc ấy nên chăng?
Anh ta sẽ đáp: Có.
– Tôi muốn thọ trì năm giới được chăng?
– Có!
Bây giờ, tốt nhất là tôi nên làm điều gì?
– Có!
Ngoài chữ có ra, anh ta không nói gì khác.
Anh ta không nói điều gì khác ngoài chữ có. Nên quý vị sẽ nghĩ rằng: “Ồ! Đây thực sự là thiền một chữ. Ông ta chắc là một vị cao Tăng. Pháp mà ông ta nói quá hay đến nỗi ta không thể nào hiểu được.”
Nó hay chỉ vì quý vị hoàn toàn không hiểu được nó. Chẳng hạn như bấy giờ nếu quý vị hiểu được những gì trong Kinh mà tôi đang giảng cho quý vị nghe, thì điều đó chẳng hay tí nào cả! Quý vị có thể nói:
“Nói lui nói tới hoài mà tôi chẳng hiểu Pháp sư này giảng những gì nữa?” Trường hợp như vậy, thì thật đáng mừng cho quý vị. Đơn giản chỉ vì quý vị không hiểu. Đó là điều rất tốt. Một khi quí vị hiểu được, thì nó không còn hay ho gì nữa. Tại sao vậy. Vì đã hiểu được. Bất luận thứ gì khi mà chưa hiểu thì đều hay đều đẹp. Do vậy, nếu quý vị muốn được điều kỳ diệu, thì chẳng nên học Phật pháp (theo kiểu ấy).
Nếu quý vị không học, thì quý vị chẳng biết được đạo lý, nên thấy mọi việc đều lạ và hay cả.
Bất luận khi có người hỏi điều gì. Nó đều đáp: có. Sao vậy? Anh ta nghĩ rằng mình đã giác ngộ từ cái có, vì thế anh ta truyền phápcó ấy cho quý vị.
Kinh Văn: Tứ giả thị nhân, hữu vô câu kiến. Kì cảnh chi cố, kì tâm diệc loạn. Hữu nhân lai vấn, đáp ngôn diệc hữu, tức thị diệc vô; diệc vô chi trung, bất thị diệc hữu. Nhất thiết kiểu loạn, vô dung cùng cật.
Việt dịch: Bốn là người ấy chấp cả có và không. Do cảnh phân tán, tâm cũng tán loạn. Khi có người đến hỏi, thì đáp cũng có tức là cũng không; trong cái cũng không, chẳng phải là cũng có. Tất cả hoàn toàn càn loạn, khi suy xét kỹ lưỡng, thấy không thể nói hết được.
Giảng: Bốn lý luận càn loạn này là sự hỗn loạn của lý thuyết “hữu” hay “vô.” Lý thuyết này là gì? Hành giả đề cập cả hai vấn đề có vàkhông. Nhưng anh ta nói rằng những vật không hiện hữu thì không thể cũng có, và những vật hiện hữu thì không thể cũng không. Anh ta chẳng biết vạn vật hiện hữu như thế nào nữa. Nói một cách điên dại như người say rượu.
Bốn là người ấy chấp cả có và không.
Trong phạm vi hành ấm , anh ta nhận thấy hành ấm giống như sóng gợn lăn tăn trên mặt nước, không hề dừng nghỉ. Nên anh ta cho rằng có. Anh ta cho rằng sự tạm dừng trong khi sóng ngưng lặng là không.
Do cảnh phân tán, tâm cũng tán loạn.
Tâm hành giả sinh khởi một niệm phân tích chia chẻ. Giống như những cành nhánh trên một thân cây. Thế nên anh ta tuyên bố rằng vạn pháp vừa có vừa không. Tâm hành giả rối loạn vì không có trí huệ chân chánh, hay định lực. Do định lực và trí huệ không quân bình.
Lúc này, hành giả trở nên chấp trước và không thể nào tìm được lối thoát ra khỏi mớ hỗn độn. Anh ta gặp một con đường tà kiến và chẳng biết con đường nào là chánh đạo.
Khi có người đến hỏi, thì đáp cũng có tức là cũng không, trong cái cũng không, chẳng phải là cũng có.
Khi có người đến hỏi, thỉnh cầu chỉ dạy Phật pháp thì đáp rằng: cũng có tức là cũng không. Vật hiện hữu thì cũng giống như không hiện hữu. Nhưng trong cái cũng không, chẳng phải là cũng có.” Nhưng những vật không hiện hữu rồi thì không thể nào trở thành có được.”
Những vật nào đã hiện hữu rồi cũng tức là không hiện hữu. Nhưng những vật không hiện hữu thì không tồn tại. Rốt cục, lý luận này là loại gì?
Là thứ hoàn toàn càn loạn. Đó là một thứ lý luận lầm lạc. Anh ta chẳng biết mình nói gì nữa. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng anh ta nói như người say rượu.
Khi suy xét kỹ lưỡng, thấy không thể dung hợp được. Không có cách nào để chấp nhận lý lẽ của anh ta. Thế lúc ấy, các ông nên làm gì? Chỉ nên áp dụng một phương pháp. Đó là vả vào mồm xem thử anh ta còn nói có, không được nữa chăng? Nếu quí vị vả vào mồm anh ta. Anh ta sẽ nói: “Tại sao lại đánh ta?.”
Nhưng ông không hiện hữu, ông có nhớ không? Vậy nên tôi đánh ông cũng như không đánh!
Hoặc có một cách khác nữa, quý vị cầm một con dao và nói: “Nè! Tôi đến để giết ông,” và xem hỏi anh ta có tồn tại hay không? Quý vị chẳng cần lý sự với anh ta làm gì. Những gì anh ta nói đều không thể nào chấp nhận được khi soi xét bằng đạo lý. Quý vị không nên hỏi đạo nơi những người như thế.
Kinh Văn: Do thử kế độ, kiểu loạn hư vô, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi đệ ngũ ngoại đạo, tứ điên đảo tánh, bất tử kiểu loạn, biến kế hư luận.
Việt dịch: Do chấp trước càn loạn rỗng không này, người ấy rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ năm, lập bốn luận thuyết hư vọng, điên đảo biến kế, càn loạn bất tử.
Giảng: Do chấp trước vào bốn lý thuyết càn loạn rỗng không này. Lý thuyết của anh ta không thể nào tưởng tượng nổi. Những điều anh ta nói là không thể nào có được. Đều là một thứ lý thuyết vô lý. Do đó, người ấy rơi vào ngoại đạo.
Tại sao lại gọi là tà thuyết ngoại đạo? Vì đạo lý không chân chính. Tri kiến của anh ta đều lầm lạc, nên những nguyên lý anh ta đưa ra không được chính xác, không đạt được chỗ rốt ráo của hiện tượng. Mê mờ tánh bồ-đề. Anh ta hoàn toàn không biết con đường dẫn đến giác ngộ. Anh ta không được ánh sáng giác ngộ chân chính soi sáng.
Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ năm, lập bốn luận thuyết hư vọng, điên đảo biến kế, càn loạn bất tử.
Trong lý luận thứ nhất, anh ta nói mình vừa sống vừa chết, cả có cả không; cả tăng cả giảm.
Trong lý thuyết thứ hai, anh ta trả lời các câu hỏi chỉ bằng một chữ “không.” Nói “không, không, không” suốt ngày và không nói một chữ nào khác. Bất luận người ta hỏi điều gì, anh ta chỉ đáp một chữ “không.” Nếu quý vị có hỏi trăm ngàn câu, chỉ nhận được rất nhiều lời đáp “không.”
Trong trường hợp thứ ba, anh ta chỉ đáp một tiếng “có.” Nếu như quý vị hỏi “Tôi làm giặc được không.” Anh ta liền đáp: “có.”
Hỏi: “Tôi thọ giới được không?
Đáp: Có.
Hỏi: Ăn phân người được không?
Đáp: Có.
Hỏi: Uống nước tiểu được chăng?
Đáp: Có
Hỏi: Ông có chết không?
Đáp: Có
Hỏi: Ông có còn tiếp tục sống trên thế gian này không?
Đáp: Có.
Bất luận các ông hỏi điều gì, anh ta đều đáp “có,” dù ngàn vạn lần hỏi, cũng chẳng có lời đáp nào khác ngoài chữ “có.” Chữ “có” của anh ta biểu thị cho sự tồn tại. Mọi vật đều hiện hữu, đều là “có.”
Trong trường hợp thứ tư, là trường hợp đang đề cập hôm nay. Anh ta nói rằng cái “có” bao hàm cái “không,” nhưng cái “không” lại không bao hàm cái “có.” Rốt cục đó là loại lý luận gì? Đó là loại lý thuyết mà anh ta đã giãi bày. Bốn loại lý luận căn cứ vào sự càn loạn bất tử. Đó là lý luận không mạch lạc và chẳng sáng suốt tý nào.
Đó hoàn toàn là những suy loạn hư vọng, không thực. Trước đây tôi đã giảng về tam tánh:
Tánh biến kế chấp .
Tánh y tha khởi .
Tánh viên thành thật .
Không biết quý vị đã hiểu rõ ý nghĩa của ba tánh này chưa?
Tánh biến kế chấp là gì? Giả sử như các ông thấy một sợi dây thừng nằm trên đường vào một đêm không có trăng, quý vị có thể nghĩ “Ồ! Có lẽ là rắn.” Đó là biến kế chấp. Đó chỉ là một sợi dây thừng, mà quý vị khởi lên một nhận định sai lạc đó là con rắn. Giá như khi quý vị thấy bóng cây trong đêm trăng, quý vị sẽ nghĩ “Ồ! có lẽ là ma” rồi phát sợ.
Có khi trong đêm quý vị thấy một con chó và nghĩ: “Ồ! đó là chó sói hay cọp.” Đó là sự sinh khởi của tánh biến kế chấp , khi quý vị nhìn kỹ, thấy nó chỉ là con chó, chẳng phải là sói, chẳng phải là cọp. Đây gọi là tánh “Y tha khởi.”
Nương vào con chó. Tánh biến kế chấp của quý vị sinh khởi và hoạt động. Nó thực sự chỉ là con chó. Con chó là gì? Là một súc vật. Bởi vì quý vị có sẵn tánh biến kế chấp , nên lầm chó với chó sói, với cọp, hay lầm một sinh vật nào khác. Hoàn toàn tương tự như khi ban đêm quý vị nhìn một bóng cây dưới trăng. Quý vị tưởng rằng sợi dây thừng kia là con rắn. Nhưng khi quý vị nhìn kỹ, thì nó chỉ là sợi dây thừng. Sợi dây được gọi là tánh y tha khởi . Tánh y tha khởi là gì? Sợi dây thừng làm bằng gì? Nó làm bằng sợi gai. Sợi gai được gọi là tánh viên thành thật , sợi gai có thể làm thành dây thừng, đó là y tha khởi . Nương nơi tánh viên thành thật, mà tánh y tha khởi phát sinh. Nên khi quý vị không quán sát hiện tượng một cách kỹ lưỡng, thì tánh biến kế chấp sinh khởi. Tà thuyết ngoại đạo cũng tương tự như vậy.
Những gì họ nói không phải là những gì thực sự biểu hiện của vạn vật. Họ phát khởi những tà thuyết này là hoàn toàn dựa vàobiến kế chấp .
6 – TÀ KIẾN VỀ HỮU TƯỚNG
Kinh Văn: Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư vô tận lưu sanh kế độ giả, thị nhân trụy nhập, tử hậu hữu tướng, phát tâm điên đảo.
Việt dịch: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm chấp đó là dòng sinh diệt vô tận, thì người ấy rơi vào tư tưởng điên đảo, cho rằng sau khi chết còn có tướng.
Giảng: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.
Trong khi thiền quán , chánh tâm ngưng lặng, vững chắc thiên ma không khuấy phá được nữa.
Điều này liên quan đến những hành giả khi tu tập đã đạt được chánh định kiên cố, bởi vì anh ta có được định lực kiên cố và chánh tâm, nên thiên ma không có cách nào quấy nhiễu được. Ma thuật hoàn toàn hết hiệu nghiệm. Mặc dù ma lực không thể dụng được đến hành giả, nhưng thiên ma lại sinh khởi ngay trong tâm hành giả. Loại ma từ tự tâm sinh khởi rất khó hàng phục.
Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia. Hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội gốc của các loài chúng sanh. Đó là manh mối, nguồn gốc của mọi loài chúng sanh.
Quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia. Thấy được manh mối thường chuyển động vi tế kia. Hành giả quán sát được nguồn cội bản chất của cái nhiễu động nhẹ nhàng, lăn tăn vi tế u ẩn của mười hai loài chúng sanh. Cội gốc của tánh chất ấy chính làhành ấm , được biểu hiện qua tướng nhiễu động rất vi tế kia.
Nhưng nếu hành giả khởi tâm chấp đó là dòng sinh diệt vô tận, thì người ấy rơi vào tư tưởng điên đảo, cho rằng sau khi chết còn có tướng.
Nhưng nếu hành giả khởi niệm suy lường chấp đó là dòng sanh diệt vô tận, thì người ấy rơi vào tư tưởng điên đảo, cho rằng sau khi chết còn có tướng.
Tướng nhiễu động vi tế kia giống như sự tương tục của sóng lăn tăn gợn trên mặt nước, nếu chấp như vậy, thì hành giả sẽ bị rơi vào tư tưởng mê lầm điên đảo, cho rằng sau khi chết vẫn còn sắc tướng. Do chấp rằng vẫn còn hiện hữu sau khi chết, nên tâm người ấy trở nên mê loạn.
Kinh Văn: Hoặc tự cố thân, vân sắc thị ngã. Hoặc kiến ngã viên, hàm biến quốc độ, vân ngã hữu sắc. Hoặc bỉ tiền duyên, tùy ngã hồi hậu, vân sắc thuộc ngã. Hoặc hậu ngã y, hành trung tương tục, vân ngã tại sắc.
Việt dịch: Hoặc tự củng cố thân mình, cho rằng sắc là ta. Hoặc thấy cái ta bao trùm khắp các cõi nước, cho rằng ta có sắc. Hoặc thấy các tiền trần kia, đều theo ta quay về, nên cho rằng sắc thuộc về ta. Hoặc cho rằng cái ta nương theo hành ấm mà tương tục, nên cho rằng ta ở trong sắc.
Giảng: Hoặc tự củng cố thân mình, cho rằng sắc là ta.
Hoặc hành giả tự chấp cứng lấy thân mình, cho rằng sắc chính là ngã.
Người phát khởi loại vọng chấp này, là mong muốn thân xác mình được lâu dài và kiên cố. Anh ta tuyên bố rằng sắc là một yếu tố trong tứ đại, đơn giản chính là ngã.
Hoặc thấy cái ta bao trùm khắp các cõi nước, cho rằng ta có sắc.
Hoặc thấy mình bao trùm khắp các cõi nước, cho rằng trong ngã có sắc, chấp rằng tự tánh của mình viên dung vô ngại, bao hàm khắp các cõi nước trong mười phương. Do đó, anh ta cho rằng Ngã chứa đựng cả sắc. Đó là loại sắc gì? Anh ta nói: “Ta có cái sắc vĩ đại vô cùng.”
Hoặc thấy các tiền trần kia, đều theo ta quay về, nên cho rằng sắc thuộc về ta.
Hoặc thấy các tiền trần kia đều quay về bên cái Ta, nên cho rằng sắc thuộc về ngã. Hoặc anh ta cho rằng các tiền trần kia đều theo anh ta đi khắp mọi nơi và sắc trong tứ đại hoàn toàn thuộc về ngã.
Hoặc cho rằng cái ta nương theo hành ấm mà tương tục, nên cho rằng ta ở trong sắc. Cho rằng ngã nương nơi hành ấm mà tương tục, nên cho rằng ngã ở trong sắc.
Kinh Văn: Giai kế độ ngôn, tử hậu hữu tương. Như thị tuần hoàn, hữu thập lục tướng.
Việt dịch: Từ tất cả kiến chấp này, đều cho rằng sau khi chết còn có tướng. Xoay vần như thế có 16 tướng.
Giảng: Từ tất cả kiến chấp này, đều cho rằng sau khi chết còn có tướng. Từ tất cả kiến chấp này, hành giả cho rằng sắc còn tồn tại sau khi chết.
Trước đây khi giảng về sắc và triền trần, tôi có nói về bốn lý luận của hành giả:
- Sắc trong tứ đại thuộc về ta.
- Sắc trong tứ đại chính là ta.
- Sắc ở trong ta, thế nên ta lớn và sắc thì nhỏ.
- Tách rời khỏi ta, chẳng có sắc.
Tóm lại: lý luận của anh ta đều vô nghĩa. Chẳng có chút gì hợp lý. Qua bốn lý thuyết này, anh ta chấp rằng có sự hiện hữu sau khi chết.
Xoay vần như thế có 16 tướng.
Theo kiến chấp ấy, hành giả rơi vào mười sáu trường hợp hiện hữu của sắc tướng.
Anh ta lấy bốn lý thuyết trên và liên hệ chúng với bốn thứ: Sắc ấm , thọ ấm , tưởng ấm và hành ấm . Như vậy thành ra 16 trường hợp hiện hữu của sắc, thọ, tưởng hành và tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Thật là vô ích khi hỏi tại sao lại đặt ra những lý luận này. Vì căn bản là bất hợp lý, trong đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi chẳng hiểu gì về bốn lý thuyết đó. Vì trước hết là chúng chẳng có gì rõ ràng minh bạch cả.
Kinh Văn: Tòng thử hoặc kế, tất cánh phiền não, tất cánh bồ-đề, lưỡng tánh tịnh khu, các bất tương xúc.
Việt dịch: Từ đó, chấp rằng rốt ráo phiền não, tột cùng bồ-đề, hai tánh ấy đều khu biệt, không mâu thuẫn nhau.
Giảng: Bốn lần bốn làm thành mười sáu cách mà sắc có thể hiện hữu. Hành giả thấy rằng bốn lý thuyết ấy có thể liên hệ với mỗi thứ trong bốn ấm: sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm ; hoặc với tứ đại: đất nước, gió, lửa.
Từ đó, chấp rằng rốt ráo phiền não, tột cùng bồ-đề, hai tánh ấy đều khu biệt.
Cho rằng phiền não luôn luôn là phiền não, bồ-đề luôn luôn là bồ-đề.
Anh ta cho rằng phiền não mãi mãi là phiền não, bồ-đề vĩnh viễn là bồ-đề. Như vậy nên câu: phiền não tức bồ-đề là sai.
Không mâu thuẫn nhau.
Hai tánh chất này cùng tồn tại song song, không mâu thuẫn nhau.
Anh ta tuyên bố hai chức năng này tồn tại song song nhau, không phá vỡ nhau. Nhưng chúng tương tác với nhau. Nhưng quan điểm này hoàn toàn sai lạc. Căn bản là điều ấy không thể có được. Tại sao anh ta nói như thế? Vì mê mờ tánh bồ-đề.
Kinh Văn: Do thử kế độ, tử hậu hữu cố, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi đệ lục ngoại đạo, lập ngũ ấm trung, tử hậu hữu tướng, tâm điên đảo luận.
Việt dịch: Do chấp sau khi chết vẫn còn hiện hữu, nên rơi vào ngoại đạo và trở nên mê mờ tánh bồ-đề. Đây là ngoại đạo thứ sáu, lập nên lý thuyết điên đảo, cho rằng trong ngũ ấm, sau khi chết có tướng.
Giảng: Do chấp sau khi chết vẫn còn hiện hữu, nên rơi vào ngoại đạo và trở nên mê mờ tánh bồ-đề.
Bốn loại sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm , nhân với bốn, làm thành mười sáu loại tồn tại của sắc. Hành giả nói rằng: Sắc tướng còn hiện hữu sau khi chết. Do vì chấp rằng sau khi chết vẫn còn hiện hữu. Hành giả rơi vào ngoại đạo và trở nên mê mờ tánh bồ-đề là chân tánh vốn có từ xưa của anh ta.
Đây là ngoại đạo thứ sáu, lập nên lý thuyết điên đảo, cho rằng trong ngũ ấm, sau khi chết có tướng.
Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ 6, lập nên lý thuyết điên đảo về sự hiện hữu của sắc tướng sau khi chết trong phạm vi ngũ ấm.
Ngũ ấm ở đây chỉ liên quan đến bốn thứ, đó là: sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm . Không liên quan đến thức ấm . Anh ta nói rằng con người sau khi chết rồi, họ vẫn tiếp tục còn có hình tướng. Khi tâm ý anh ta bị rối loạn, mất phương hướng. Anh ta đưa ra loại lý thuyết này.
7 – TÀ KIẾN SAU KHI CHẾT KHÔNG CÒN SẮC TƯỚNG
Kinh Văn: Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư tiên trừ diệt, sắc thọ tưởng trung, sanh kế độ giả. Thị nhân trụy nhập, tử hậu vô tướng, phát tâm điên đảo.
Việt dịch: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường về sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm đã được trừ diệt rồi, thì người ấy sẽ rơi vào tư tưởng điên đảo, cho rằng sau khi chết, không còn có tướng.
Giảng: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.
Trong khi thiền quán , chánh tâm ngưng lặng vững chắc. Đây nói đến người tu tập định lực. Người ấy đã đạt được định lực kiên cố và trí tuệ. Thiên ma không còn khuấy phá được nữa.
Dù trí tuệ chưa đạt đến mức cứu cánh và chân chánh trí tuệ, nhưng ma vương không làm gì được anh ta. Tuy nhiên, anh ta chưa hàng phục được ma ở trong tâm của anh ta.
Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia. Hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội gốc của các loại chúng sanh, thấy được manh mối của cái thường nhiễu động vi tế kia.
Anh ta nhìn thấy được căn tánh khinh thanh, u ẩn của tất cả các loại chúng sanh, biểu hiện qua sự nhiễu động vi tế thường xuyên ấy.
Khởi tâm suy lường về sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm đã được trừ diệt rồi. Nhưng nếu hành giả khởi niệm suy lường về ba loại sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm đã trừ diệt xong rồi, thì hành giả sẽ bị rơi vào ý tưởng mê lầm điên đảo; cho rằng sau khi chết, không còn sắc tướng.
Anh ta nói rằng chẳng có gì tồn tại sau khi chết. Đó là loại lý luận điên đảo mà anh ta nghĩ ra.
Kinh Văn: Kiến kì sắc diệt, hình vô sở nhân. Quán kì tưởng diệt, tâm vô sở hệ. Tri kì thọ diệt, vô phục liên xuyết. Âm tánh tiêu tán, túng hữu sanh lí, nhi vô thọ tưởng, dữ thảo mộc đồng.
Việt dịch: Thấy sắc ấm đã diệt, thân không còn chỗ y cứ. Quán sát tưởng ấm đã tiêu dung, thấy tâm không ràng buộc. Biết thọ ấm đã tiêu trừ, chẳng còn dính dáng vào đâu. Các ấm này đã tiêu tán, dù còn có lý sinh khởi, nhưng thọ ấm, tưởng ấmkhông còn nữa, nên hành giả cho rằng mình như cây cỏ.
Giảng: Thấy sắc ấm đã diệt, thân không còn chỗ y cứ.
Sắc ấm đã diệt, không rõ nguyên nhân nào mà thân xác còn hiện hữu. Hình hài không còn nơi nương gá nữa. Như đã cho mất đi rồi.
Quán sát tưởng ấm đã tiêu dung, thấy tâm không ràng buộc.
Thấy tưởng ấm đã tiêu dung, thấy tâm như không bị ràng buộc. Hành giả đã vượt qua được tưởng ấm. Tưởng ấm đã tiêu dung rồi. Không còn nơi chốn cho tâm nương gá vào nữa, không còn nơi để sinh khởi vọng tưởng nữa.
Biết thọ ấm đã tiêu trừ, chẳng còn dính dáng vào đâu.
Biết thọ ấm đã tiêu trừ, chẳng còn liên hệ gì nữa. Thọ ấm của mình đã tiêu dung rồi, không còn liên hệ với ngoại duyên nữa. Các ấm này đã tiêu tán. Ba loại: Sắc ấm , thọ ấm, tưởng ấm đã tiêu dung.
Dù còn lý sinh khởi, dù những hiện tượng rất nhỏ, vết tích của hành ấm còn tồn tại.
Nhưng thọ ấm và tưởng ấm không còn nữa, khiến hành giả cho rằng mình giống như cây cỏ. Do đã hết sạch thọ ấm và sắc ấm. Anh ta xem mình đồng với cây cỏ.
Kinh Văn: Thử chất hiện tiền, do bất khả đắc, tử hậu vân hà, cánh hữu chư tướng? Nhân chi khám hiệu, tử hậu tướng vô. Như thị tuần hoàn, hữu bát vô tướng.
Việt dịch: Rồi nghĩ rằng, hiện tiền thể chất này còn không nắm bắt được, làm sao sau khi chết lại còn sắc tướng? Do nghiệm xét như thế, nên cho rằng sau khi chết không còn sắc tướng. Xoay vần như vậy, có tám thứ luận vô tướng.
Giảng: Rồi nghĩ rằng, hiện tiền thể chất này còn không nắm bắt được.
Thể chất này nay chẳng tồn tại, không chỉ là sắc tướng không tồn tại mà tâm cũng thế. Anh ta cho rằng phương diện vật chất của sắc và tâm bây giờ đã tiêu tán. Điều này liên quan đến bốn thứ: sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm . Nhớ rằng hành giả cho thân mình đồng như cây cỏ. Đó có nghĩa là anh ta không có tri giác. Dù anh ta còn sống, nhưng chẳng có được gì cả.
Làm sao sau khi chết lại còn sắc tướng? Nếu hành giả không thể tìm thấy được dấu tích nào của sự hiện hữu, bất kỳ cái gì thực sự là hình và tướng, ngay bây giờ trong lúc còn sống, thì làm sao mà có được chút sắc tướng tồn tại sau khi chết?
Do vì nghiệm xét như thế nên cho rằng sau khi chết không còn sắc tướng.
Anh ta nghiền ngẫm ý tưởng này, xem xét nó qua nhiều khía cạnh. “Nếu ngay đời này chẳng có sắc tướng, làm sao sau khi chết lại có được? Nên sau khi chết cũng chẳng có sắc tướng.”
Nếu không có bằng chứng cho sự hiện hữu của sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm trong khi sống, thì chắc chắn cũng chẳng có bằng cớ nào cho sự hiện hữu của chúng sau khi chết.
Xoay vần như vậy, có tám thứ luận vô tướng.
Phát triển ý tưởng như vậy, nên hành giả rơi vào tám thứ luận vô tướng.
Đó là bốn trường hợp không hiện hữu của sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm trong khi còn sống, và bốn trường hợp không hiện hữu của bốn thứ ấy sau khi chết. Tất cả đều biến mất.
Kinh Văn: Tòng thử hoặc kế, niết-bàn nhân quả, nhất thiết giai không. Đồ hữu danh tự, cứu cánh đoạn diệt.
Việt dịch: Do đây, cho rằng niết-bàn nhân quả tất cả đều là không, chỉ có tên gọi, rốt ráo đều là đoạn diệt.
Giảng: Do đây, vì lý luận của anh ta là bốn uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành) đều không tồn tại. Căn cứ vào tám thứ luận vô tướng. Cho rằng niết-bàn nhân quả tất cả đều là không. Hoặc hành giả chấp rằng niết-bàn, nhân quả đều là không. Hành giả cho rằng không có niết-bàn, và phủ nhận nhân quả. Nếu thực sự như vậy, thì chẳng có lý do gì để mọi người có thể tu tập thành Phật. Tại sao vậy? Theo lý luận của anh ta thì chẳng có gì tồn tại hết thảy.
Anh ta nghĩ: chỉ có tên gọi, rốt ráo đều là đoạn diệt. Các pháp chẳng là gì cả, chỉ là danh tự. Thực sự chẳng có gì tồn tại. Đó là những gì anh ta quan niệm.
Kinh Văn: Do thử kế độ, tử hậu vô cố, đoạ lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi, đệ thất ngoại đạo, lập ngũ ấm trung, tử hậu vô tướng, tâm điên đảo luận.
Việt dịch: Do chấp sau khi chết không còn có tướng như vậy, nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây gọi là ngoại đạo thứ bảy, lập nên những thứ luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết không còn có tướng.
Giảng: Do chấp sau khi chết không còn có tướng như vậy. Anh ta cho rằng sau khi chết chẳng còn gì cả. Mọi vật đều là không.
Do chấp rằng sau khi chết không còn sắc tướng. Nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Hành giả rơi vào một thứ ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ bảy, lập nên những thứ luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết không còn có tướng.
Anh ta cho rằng sau khi chết chẳng còn gì tồn tại trong phạm vi của ngũ ấm. Do đó thứ lý luận điên đảo từ tâm anh ta lập nên.
8 – TÀ KIẾN PHỦ NHẬN CẢ CÓ VÀ KHÔNG CÓ TƯỚNG SAU KHI CHẾT
Kinh Văn: Hựu tam ma trung chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư hành tồn trung kiêm thọ tưởng diệt, song kế hữu vô, tự thể tương phá. Thị nhân trụy nhập, tử hậu câu phi, khởi điên đảo luận.
Việt dịch: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, trong trạng thái hành ấm chưa tiêu dung, nhưng thọ ấm và tưởng ấm đã tiêu trừ, nếu khởi tâm chấp trước cả hai cái có và không, thì tự thể phá nhau. Người ấy rơi vào luận thuyết điên đảo, phủ nhận cả có, cả không còn gì tồn tại sau khi chết.
Giảng: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.
Hành giả trong khi thiền quán , chánh tâm ngưng lặng, vững chắc, thiên ma không khuấy phá được nữa.
Điều này đề cập đến người tu tập chánh định, có được định lực mạnh mẽ và kiên cố, mặc dù ngoại ma không thể đến khuấy rối anh ta được nữa, nhưng mà từ trong tâm thì rất khó hàng phục.
Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia. Hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội gốc của mười hai loại chúng sanh, thấy được manh mối của trạng thái thường nhiễu động vi tế kia. Anh ta quán sát được trạng thái khinh thanh u ẩn trong tâm. Vào lúc ấy, tình trạng đó là tướng thường nhiễu động vi tế của hành ấm .
Trong trạng thái hành ấm chưa được tiêu dung, nhưng thọ ấm , tưởng ấm đã được diệt trừ. Nếu hành giả khởi tâm chấp cả có và không, thì tự thể phá nhau, .
“Bản ngã” riêng của anh ta đã bị xóa sạch, nó không còn tồn tại nữa. Nên nó mâu thuẫn trong tâm. Nếu cho rằng mọi vật đều tồn tại, thì anh ta cũng tồn tại. Nếu nói rằng mọi vật không còn tồn tại, thì anh ta cũng không tồn tại. Khi anh ta tự mâu thuẫn với chính mình, thì anh ta cũng bị hủy hoại lấy mình, anh ta tự nhận lý thuyết của chính mình.
Người ấy rơi vào luận thuyết điên đảo, phủ nhận cả có, cả không còn gì tồn tại sau khi chết.
Anh ta cho rằng sau khi anh ta chết, chẳng có gì tồn tại lẫn không tồn tại. Thế thì đó là cái gì? Có phải cái “chẳng tồn tại cũng chẳng không tồn tại” là trung đạo chăng? – Không. Anh ta chẳng quan tâm đến trung đạo , cũng chẳng quan tâm đến việc mình có chứng được trung đạo hay không? Đây là điểm anh ta sai lầm và trở nên mê hoặc.
Kinh Văn: Sắc thọ tưởng trung, kiến hữu phi hữu. Hành thiên lưu nội, quán vô bất vô.
Việt dịch: Thấy sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm có mà chẳng phải có. Xét trong dòng chuyển biến của hành ấm , thấy cái khôngchẳng phải là không.
Giảng: Thấy sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm có mà chẳng phải có. Chú ý vào sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, ba ấm mà hành giả đã tiêu trừ và vượt qua được, thấy sự hiện hữu đó không thực là hiện hữu. Hành giả nhận biết một trạng thái hiện hữu, nhưng nó không thực sự hiện hữu.
Xét trong dòng chuyển biến của hành ấm , hành giả thấy rằng cái không hiện hữu không thực sự là không, thấy cái khôngchẳng phải là không..
Trong sự nhiễu động vi tế của hành ấm , hành giả thấy rằng những gì không hiện hữu, dường như cũng có sự hiện hữu. Do đó, chẳng có sự tồn tại và cũng chẳng có cái không tồn tại. Nên anh ta kiến lập lý thuyết này.
Kinh Văn: Như thị tuần hoàn, cùng tận âm giới, bát câu phi tướng. Tùy đắc nhất duyên, giai ngôn tử hậu, hữu tướng vô tướng.
Việt dịch: Xoay vần như thế, cùng tột các ấm , lập thành tám tướng “chẳng phải có, chẳng phải không.” Gặp duyên gì cũng đều nói rằng sau khi chết là có tướng, không tướng.
Giảng: Xoay vần như thế, cùng tột các ấm , lập thành tám tướng “chẳng phải có, chẳng phải không.”
Trước đây hành giả thấy một trạng thái, trong đó, sự hiện hữu từ trước kia của các sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm trở nên bị tiêu dung không còn nữa, và dòng chuyển động trôi chảy lăn tăn của hành ấm lẽ ra sau đó sẽ không còn hiện hữu nữa, mà nay vẫn còn tồn tại.
Quán xét cùng tột trước sau các ấm này. Hành giả khảo sát tuần tự từng món, cố gắng khám phá nguyên lý cơ bản. Anh ta nghiên cứu kỹ lưỡng bốn món sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm , quán xét chúng từ tất cả mọi khía cạnh. Lập thành tám tướng hoàn toàn phủ định sự hiện hữu. Có tám trường hợp, đều phủ nhận sự hiện hữu của sắc tướng.
Gặp duyên gì cũng đều nói rằng sau khi chết là có tướng, không tướng.
Bất luận khi đề cập đến ấm nào, anh ta chỉ có một câu trả lời. Hành giả đều nói rằng sau khi chết, chẳng có sự không hiện hữu (có), cũng chẳng có sự hiện hữu (vô) .
Kinh Văn: Hựu kế chư hành, tánh thiên ngoa cố, tâm phát thông ngộ, hữu vô câu phi, hư thực thất tán.
Việt dịch: Lại thấy hành ấm thay đổi liên tục, tâm phát thông ngộ, chấp tất cả đều chẳng phải có, chẳng phải không
Giảng: Lại nữa, thấy các hành ấm thay đổi liên tục, hành giả nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về bản chất của hành ấm, vì hành ấm có sự thường nhiễu động lăng xăng rất nhỏ nhiệm, nó luôn luôn trôi chảy và biến dạng.
Tâm phát thông ngộ, tâm phát ra một sự hiểu biết sáng suốt, khiến phủ nhận cả có lẫn không hiện hữu.
Chấp tất cả đều chẳng phải có, chẳng phải không. Một sự hiểu biết sáng suốt nhầm lẫn (tà ngộ) xảy ra trong tâm ý hành giả, và anh ta quyết đoán rằng cả có lẫn không hiện hữu, cả hai đều không có căn cứ. Phải chăng đây là trung đạo ? Không. Anh ta không hiểu được nghĩa rốt ráo của trung đạo . Đó là lý do tại sao anh ta chẳng quan tâm đến trung đạo . Anh ta chỉ quan tâm đến hiện hữu (có) và (không) hiện hữu.
Nên anh ta không thể quyết đoán được điều gì là thực, điều gì là hư.
Hư thực lộn lạo. Vạn vật chẳng hư chẳng thật. Quý vị nói vạn vật là thực, anh ta lại chối từ điều đó. Quý vị nói vạn vật là hư, anh ta cũng phủ nhận điều ấy. Vì anh ta chủ trương rằng chẳng thực cũng chẳng hư, nên anh ta đã bị tán loạn.
Kinh Văn: Do thử kế độ, tử hậu câu phi, hậu tế hôn mông, vô khả đạo cố. Đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi đệ bát ngoại đạo, lập ngũ ấm trung, tử hậu câu phi, tâm điên đảo luận.
Việt dịch: Do những kiến chấp sau khi chết “chẳng phải có, chẳng phải không” như thế mà đường sau mờ mịt, không còn lối đi. Nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ tám, lập luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết, chẳng phải có, chẳng phải không.
Giảng: Do những kiến chấp sau khi chết “chẳng phải có, chẳng phải không” như thế mà đường sau mờ mịt, không còn lối đi.
Do những thứ kiến chấp mà anh ta đã lập từ trước nầy, nên phủ nhận cả sự tồn tại lẫn không tồn tại sau khi chết. Đối với hành giả, tương lai mờ mịt, không thể nói được điều gì về điều ấy cả.
Anh ta nói rằng sau khi chết, còn có cả sự hiện hữu lẫn không hiện hữu. Hoàn toàn không biết được nơi sẽ kết thúc của hành ấm . Vì không thể biết gì về điều ấy cả, nên không có thể bàn luận, không có gì để nói về điều ấy cả.
Do vậy, nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Hành giả rơi lạc vào ngoại đạo, vì lạc vào tà thuyết ngoại đạo, nên mê lầm tánh bồ-đề.
Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ tám, lập nên lý luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết, chẳng phải có, chẳng phải không. Phủ nhận cả sự hiện hữu lẫn không hiện hữu, trong phạm vi ngũ ấm sau khi chết.
Anh ta nói rằng sau khi chết còn có sự hiện hữu, cũng như còn có sự không hiện hữu trong phạm vi của ngũ ấm. Vì tâm thức hành giả trở nên mê loạn, nên phát ra loại lý luận điên đảo này.
9 – TÀ KIẾN VỀ ĐOẠN DIỆT
Kinh Văn: Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư hậu hậu vô, sanh kế độ giả. Thị nhân trụy nhập thất đoạn diệt luận.
Việt dịch: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, sinh tâm kế chấp sau nầy là không, người ấy rơi vào mê lầm với bảy luận thuyết đoạn diệt.
Giảng: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.Hành giả trong khi thiền quán , chánh tâm ngưng lặng, vững chắc. Thiên ma không khuấy phá được nữa.
Hành giả, người tu thiền quán đã phát triển được định lực đến mức kiên cố và chánh tâm. Vậy nên thiên ma không còn cách nào quấy nhiễu được. Hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội gốc của mười hai loài chúng sinh, thấy được manh mối trạng thái thường nhiễu động vi tế kia. Hành giả quán sát bản chất bí ẩn, hư ảo trong sáng nhẹ nhàng. Đến lúc này trong hành ấm có sự nhiễu động rất vi tế. Nhưng nếu, anh ta không biết được trạng thái khi vượt qua hành ấm, sinh tâm kế chấp sau khi chết không còn sự hiện hữu, người ấy rơi vào mê lầm với bảy luận thuyết đoạn diệt. Người ấy sẽ tin vào bảy thứ luận đoạn diệt.
Kinh Văn: Hoặc kế thân diệt, hoặc dục tận diệt, hoặc khổ tận diệt, hoặc cực lạc diệt, hoặc cực xả diệt.
Việt dịch: Hoặc chấp hết thân này là diệt, hoặc chấp hết ngũ dục là diệt, hoặc chấp hết khổ là diệt, hoặc chấp tột vui là diệt, hoặc chấp cực điểm của xả bỏ là diệt.
Giảng: Hoặc chấp hết thân này là diệt.
Hành giả quán xét thấy rằng loài chúng sinh có thân xác ở khắp mọi nơi, thân xác ấy cuối cùng sẽ hủy hoại. Những nơi này là bốn châu lớn trong thiên hạ: Nam Diêm-phù-đề , Đông Thắng Thần Châu , Tây Ngưu Hóa Châu , Bắc Câu Lô Châu , và ngay cả nơi cõi trời Lục dục .
Hoặc chấp hết ngũ dục là diệt. Hoặc phỏng đoán khi tham muốn ngũ dục đã hết. Khi vượt qua được Dục giới ở cõi trời Sơ thiền còn gọi là Ly sinh hỷ lạc địa đó là đoạn diệt. Ở cõi trời Sơ thiền, quý vị thoát khỏi sự cấu nhiễm của chúng sinh và hưởng được nhiều niềm vui.
Hoặc chấp hết khổ là diệt. Hoặc chấp sau khi khổ chấm dứt, trong cõi trời thứ hai, gọi là Định sanh hỷ lạc địa đó là đoạn diệt. Đến đây, thấy vui vì đã đạt được định lực.
Hoặc chấp tột vui là diệt. Hoặc chấp niềm vui khi đạt đến tột đỉnh đó là đoạn diệt. Hành giả cho rằng trạng thái cực lạc ở cõi trời thứ ba (Ly hỷ diệu lạc địa) cũng sẽ chấm dứt. Vì khi đã trải qua được niềm vui tột cùng vi diệu, hành giả ước đoán rằng cõi Thiền thứ ba cũng sẽ đoạn diệt.
Hoặc chấp cực điểm của xả bỏ là diệt. Hoặc chấp sự xả bỏ khi đến cực điểm là đoạn diệt. Hành già phỏng đoán cõi trời thiền thứ tư (Xả niệm thanh tịnh địa ) cũng sẽ đoạn diệt. Anh ta suy đoán cõi trời Tứ không, nơi không còn chướng ngại của sắc chất cũng sẽ đoạn diệt.
Thời gian trôi qua rất nhanh, chỉ trong nhấp nháy mắt mùa hạ đã trôi qua rồi. Ở Trung Hoa, Khổng Tử ví cuộc đời như dòng nước trôi qua không ngừng nghỉ. Thời gian trôi qua không bao giờ trở lại. Có câu ngạn ngữ:
“Nhất thốn quang âm nhất thốn kim
Thốn kim nan mại thốn quang âm.”
Nghĩa là: “Một khoảnh khắc thời gian đáng giá cả lượng vàng. Nhưng lượng vàng khó mua nổi một khoảnh khắc thời gian.” Một khoảnh khắc thời gian giá trị bằng cả lượng vàng. Nếu quý vị mất vàng, quý vị có thể sắm lại được. Nhưng một khi thời gian mất đi thì chẳng có cách nào lấy lại được. Do vậy thời gian còn quý hơn cả vàng. Nên trong đạo Phật nói rằng: “Một khoảnh khắc thời gian cũng như một cõi đời người.” Khi thời gian rút ngắn lại, đời sống con người lại càng ngắn hơn. Chúng ta phải nên quý trọng thời gian đừng để nó tùy tiện trôi qua trong sự vô ích.
Suốt mùa hạ này, chúng ta đã bắt đầu thời khóa tụng kinh, ngồi thiền vào lúc sáu giờ sáng mỗi ngày. Từ sáng sớm cho đến 9 giờ tối. Mọi người đã đem hết tâm lực để dụng công tu tập. Tôi tin rằng thời gian này chắc hẳn là quý hơn vàng, giá trị hơn kim cương. Nay mọi người hãy cùng nhau hết lòng lắng nghe, thấm nhuần những điều đã được học, phát tâm tu tập. Đây là khoảnh khắc thời gian quý giá nhất trong đời. Thật đáng tiếc khi thời gian trôi qua chỉ trong chớp mắt. Cho dù thời khắc gần như đã đi qua, Phật pháp mà chúng ta vừa học được cũng như hạt giống kim cương trong tâm thức ta gieo vào mảnh đất là thức thứ tám (A-lại-da thức ). Trong tương lai chắc chắn sẽ sinh ra quả kim cương bất hoại. Đó cũng là Phật quả, nghĩa là chúng ta sẽ được thành Phật.
Khi nào thì chúng ta sẽ thành Phật? Tùy thuộc vào cách chúng ta siêng năng canh tác, tưới tẩm các hạt giống một khi nó đã được gieo vào lòng đất rồi. Cũng như người nông dân, chúng ta phải tưới nước, nhổ cỏ dại, xới đất cho tơi xốp để hạt giống có thể nảy mầm. Thế nào gọi là nhổ cỏ dại? Cỏ dại có nghĩa là vào mọi lúc, ta phải đề phòng sự phát triển rất vi tế của tạp niệm và trừ bỏ những vọng tưởng ấy đi.
Hằng ngày ta phải nỗ lực công phu theo cách này như người nông dân chăm sóc và tưới tẩm ruộng vườn của họ. Tưới nước và nhổ cỏ dại hằng ngày, hạt giống kim cương mà quý vị đã gieo vào lòng đất sẽ nảy chồi bồ-đề, dần dần chồi non bồ-đề ấy sẽ lớn thành cây bồ-đề; rồi nó sẽ kết thành quả bồ-đề. Nhưng quý vị phải chăm sóc bảo vệ chồi non Bồ-đềấy, nếu quý vị xao lãng việc tưới nước và vun xới cho nó, thì nó sẽ tàn lụi đi.
Tước nước nghĩa là gì? Nếu quý vị học Phật pháp hằng ngày, có nghĩa là quý vị đang tưới cho mầm bồ-đề bằng nước của Pháp. Đúng lúc quả kim cang sẽ chín muồi. Nếu quý vị không tiếp tục chăm sóc hạt giống kim cang sau kỳ pháp hội này, thì không dễ gì hạt kim cang sẽ nảy chồi. Quý vị phải chăm sóc hạt giống thật chu đáo. Đừng nên theo thói quen thích làm những việc mình ưa thích. Hãy tuân thủ theo giới luật và cư xử cho hòa hợp, đừng bừa bãi, khinh suất trong khi hành xử. Nếu quý vị giữ đúng giới luật, nghĩa là quý vị hòa hợp với Phật pháp. Nếu không tuân thủ giới luật, thì chưa hiểu Phật pháp. Quý vị nhất định phải nên tuân thủ theo giới luật, đừng quá phóng túng và không tự kiềm chề mình được. Đây là điều tôi hy vọng ở quý vị.
Trong pháp hội giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm vào mùa hạ này, nhất định sẽ giống như trong trường hợp:
“Nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo tràng”
Nghĩa là: “Ngay khi nghe được ý chỉ của kinh này rồi, vĩnh viễn nơi tâm thức của quý vị đã là đạo tràng, là mảnh đất tâm đã được gieo hạt giống bồ-đề.”
Kinh Văn: Như thị tuần hoàn, cùng tận thất tế, hiện tiền tiêu diệt, diệt dĩ vô phục. Do thử kế độ, tử hậu đoạn diệt. Đọa lạc ngoại đạo hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi đệ cửu ngoại đạo. Lập ngũ ấm trung tử hậu đoạn diệt. tâm điên đảo luận.
Việt dịch: Xoay vần như thế, cùng tột đến bảy quan niệm chấp trước hiện tiền là tiêu diệt, đã diệt rồi thì không hồi phục lại nữa. Do chấp sau khi chết là đoạn diệt như thế, nên rơi vào ngoại đạo, lầm mất tánh bồ-đề. Đây là ngoại đạo thứ 9, lập nên những thứ luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết là đoạn diệt hẳn.
Giảng: Xoay vần như thế, cùng tột đến bảy quan niệm chấp trước hiện tiền là tiêu diệt, đã diệt rồi thì không hồi phục lại nữa.
Vì những kế chấp đoạn diệt sau khi chết. Hành giả vẫn duy trì tư tưởng cho rằng sau khi chết, chẳng còn bất cứ thứ gì tồn tại. Mọi vật đều tiêu diệt. Nên rơi vào ngoại đạo, lầm mất tánh bồ-đề. Hành giả sẽ rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề, mê mờ về tánh giác ngộ chân chánh. Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ chín, lập nên những thứ luận điên đảo. Chấp trong ngũ ấm, sau khi chết là đoạn diệt hẳn.
Cho rằng sau khi chết trong phạm vi ngũ ấm là đoạn diệt hẳn. Với tâm mê muội, hành giả nghĩ rằng sự đoạn diệt sau khi chết là ở trong phạm vi của sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm và hành ấm .
10 – TÀ KIẾN VỀ NIẾT BÀN
Kinh Văn: Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư hậu hậu hữu, sanh kế độ giả. Thị nhân trụy nhập ngũ niết-bàn luận.
Việt dịch: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, sinh tâm kế chấp sau nầy là có. Người ấy rơi vào năm thứ luận về niết-bàn.
Giảng: Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.
Trong khi tu tập thiền quán , chánh tâm ngưng lặng vững chắc. Thiên ma không khuấy phá được nữa. Vì hành giả đã được định lực vững chắc và chính tâm thuần hòa, thanh tịnh. Thiên ma không có cơ hội quấy phá, thiên ma chẳng có ảnh hưởng gì đến hành giả được nữa.
Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, sinh tâm kế chấp sau nầy là có.
Hành giả nghiên cứu cùng tột cội gốc của các loài chúng sinh, thấy được manh mối trạng thái thường nhiễu động vi tế kia. Khảo sát tâm thức của các loài chúng sinh kia, vốn u ẩn, khinh thanh trong dòng nhiễu động rất vi tế.
Người ấy rơi vào năm thứ luận về niết-bàn.
Nhưng nếu hành giả sinh tâm kế chấp về sự hiện hữu sau khi chết, sẽ rơi vào năm thứ luận sai lạc về niết-bàn .
Vượt qua hành ấm , hành giả lại nhận thấy có sự hiện hữu. Căn cứ vào sự thường hằng của từng niệm, từng niệm trôi chảy không ngừng trong phạm vi hành ấm. Anh ta có kiến chấp sai lầm về sự hiện hữu và tin vào năm thứ luận về Niết Bàn.
Kinh Văn: Hoặc dĩ dục giới, vi chánh chuyển y, quán kiến viên minh, sinh ái mộ cố. Hoặc dĩ sơ thiền tánh vô ưu cố. Hoặc dĩ nhị thiền, tâm vô khổ cố. Hoặc dĩ tam thiền, cực duyệt tuỳ cố. Hoặc dĩ tứ thiền, khổ lạc nhị vọng, bất thọ luân hồi, sanh diệt tánh cố.
Việt dịch: Hoặc xem Dục giới là chuyển y chân chánh, do thấy sáng suốt cùng khắp nên sanh tâm yêu thích. Hoặc nhận cõi Sơ thiền là nơi chuyển y chân chánh, do tâm không còn lo buồn. Hoặc nhận cõi Nhị thiền là chuyển y chân chánh, do tâm không khổ lụy nữa. Hoặc nhận Tam thiền, vì rất vui đẹp. Hoặc nhận Tứ thiền vì cả vui khổ thực sự tiêu vong, không còn chịu sinh diệt trong luân hồi nữa.
Giảng: Hoặc xem Dục giới là chuyển y chân chánh. Đó là nơi mà anh ta sẽ đi đến, anh ta thấy cõi trời Dục giới là nơi chuyển y chân chánh. Tại sao?
Do vì hành giả thấy sáng suốt cùng khắp và sanh tâm yêu thích nơi ấy. Cõi trời Dục giới hiện ra rất hoàn mãn và sáng rực, nên anh ta phát khởi tâm luyến mộ và ước ao sinh về nơi đó. Anh ta nhận nơi đó như một nơi chốn để quay về, như là một cảnh giới niết-bàn. Anh ta nghĩ rằng Dục giới là một cõi niết-bàn chân thực.
Hoặc nhận cõi Sơ thiền là nơi chuyển y chân chánh, do tâm không còn lo buồn. Anh ta nghĩ rằng chúng sinh trong cõi trời Sơ thiền (Ly sinh hỷ lạc ) đã bỏ lại hết đằng sau những âu lo, phiền não rồi, đồng thời sinh khởi một cảm giác hoan hỷ. Do vậy nên hành giả ao ước được sanh về nơi đó.
Hoặc nhận cõi Nhị thiền là chuyển y chân chánh, do tâm không khổ lụy nữa. Trong khi thiền quá, hành giả có thể đạt đến cõi trời Nhị thiền, nơi tâm không còn khổ nữa, vì hành giả đã phát triển được định lực. Cõi trời này gọi là Định sanh hỷ lạc .
Hoặc nhận Tam thiền, vì rất vui đẹp, vì rất ham thích niềm vui tột bực ở đó. Anh ta nghĩ rằng mình sẽ đạt được bất kỳ điều gì mình muốn ở đó, vì thế anh ta cho rằng đây là cõi trời kia là cảnh giới niết-bàn.
Hoặc nhận Tứ thiền vì cả vui khổ thực sự tiêu vong, không còn chịu sinh diệt trong luân hồi nữa.
Hành giả cho rằng mình không còn trải qua sự luân hồi sanh tử nữa. Hành giả cho rằng trong cõi trời Tứ thiền , gọi là Xả niệm thanh tịnh địa , nơi khổ vui đều tiêu dung và không còn tái sinh trong tam giới nữa. Do vì cảnh giới này rất thanh tịnh, nên hành giả xem đó là cảnh giới niết-bàn, muốn quay về an trụ nơi đó.
Kinh Văn: Mê hữu lậu thiên, tác vô vi giải, ngũ xứ an ổn, vi thắng tịnh y. Như thị tuần hoàn, ngũ xứ cứu cánh.
Việt dịch: Mê chấp các cõi trời hữu lậu, phát khởi kiến giải vô vi, lầm sự an ổn năm chỗ ấy là nơi nương tựa thắng tịnh. Tuần hoàn rốt ráo trong năm chỗ như vậy .
Giảng: Mê chấp các cõi trời hữu lậu, phát khởi kiến giải vô vi.
Những cõi trời này còn trong vòng hữu lậu, nhưng hành giả mê lầm “Nhận giặc làm con” khởi nên kiến giải vô vi, và xem năm trạng thái này là nơi nương tựa thù thắng. Lầm sự an ổn năm chỗ ấy là nơi nương tựa thắng tịnh. Anh ta cảm thấy rằng năm trạng thái này là an ổn và bảo đảm, đó là nơi tuyệt đối thanh tịnh, thù thắng để quay về an trụ.
Tuần hoàn rốt ráo trong năm chỗ như vậy .
Cứu xét kỹ lưỡng theo cách ấy, nên quyết đoán có năm chỗ rốt ráo. Anh ta nghĩ các cảnh giới ấy là trạng thái tột cùng nơi anh ta có thể nhập niết-bàn. Anh ta không nhận ra những cõi trời này vẫn còn trong vòng hữu lậu.
Kinh Văn: Do thử kế độ, ngũ hiện niết-bàn, đọa lạc ngoại đạo hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi, đệ thập ngoại đạo. Lập ngũ ấm trung, ngũ hiện niết-bàn, tâm điên đảo luận.
Việt dịch: Do kế chấp năm thứ niết-bàn hiện có như vậy, nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là ngoại đạo thứ mười, lập nên những luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, có năm thứ niết-bàn hiện có.
Giảng: Do kế chấp năm thứ niết-bàn hiện có như vậy, nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đánh mất trực giác về bản tánh giác ngộ sáng suốt. Đây là ngoại đạo thứ mười, lập nên những luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, có năm thứ niết-bàn hiện có.
Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ mười, lập nên những luận thuyết sai lầm về năm loại niết-bàn hiện có, trong phạm vi của ngũ ấm. Những luận thuyết ấy là hoàn toàn sai lạc và điên đảo.
LỜI KHUYÊN TỔNG KẾT CỦA ĐỨC THẾ TÔN VỀ CÁC TÀ KIẾN
Kinh Văn: A-nan, như thị thập chủng, thiền-na cuồng giải, giai thị hành ấm, dụng tâm giao hỗ, cố hiện tư ngộ.
Việt dịch: A-nan, tất cả mười thứ tri giải cuồng loạn trong thiền-na như thế, đều do tâm dụng công giao xen với hành ấm nên phát ra ngộ giải này.
Giảng: A-nan, tất cả mười thứ tri giải cuồng loạn trong thiền-na như thế, tất cả mười thứ tri giải cuồng loạn sai lầm như thế được nói ở trên xảy ra trong thiền định. đều do tâm dụng công giao xen với hành ấm nên phát ra ngộ giải này. Chính là do tâm nỗ lực công phu thiền quán giao xen với hành ấm.
Vấn đề gì sẽ xảy ra ở đây? Vì hành giả vừa vượt qua hành ấm . Nếu chánh tri, chánh kiến của hành giả thắng lướt, thì anh ta có thể nhảy vượt qua rào cản này. Nếu hành ấm thắng thì anh ta sẽ bị ma gá vào. Nên phát ra ngộ giải này.
Kinh Văn: Chúng sanh ngoan mê bất tự thốn lượng. Phùng thử hiện tiền, dĩ mê vi giải, tự ngôn đăng thánh. Đại vọng ngữ thành, đọa vô gián ngục.
Việt dịch: Chúng sinh ngu mê, không tự suy xét được. Gặp phải cảnh ấy, nhận mê làm ngộ, nói rằng mình đã chứng thánh. Thành tội đại vọng ngữ, sẽ đọa vào ngục vô gián.
Giảng: Chúng sinh ngu mê, không tự suy xét được.
Chúng sinh thường bướng bỉnh, si mê và vô ý thức, không có một niệm phản tỉnh tự hỏi mình là ai và căn tánh của mình là gì?
Gặp phải cảnh ấy khi trạng thái này xảy ra, liền bị bối rối hoảng loạn, nhưng vì không gặp được vị thiện tri thức sáng mắt chỉ điểm cho.
Nhận mê làm ngộ, nói rằng mình đã chứng thánh. Anh ta tuyên bố đã giác ngộ và đã thành Phật. Thành tội đại vọng ngữ vì anh ta đã phạm tội đại vọng ngữ như vậy, nên sẽ đọa vào ngục vô gián.
Kinh Văn: Nhữ đẳng tất tu, tương Như Lai tâm, ư ngã diệt hậu, truyền thị mạt pháp, biến linh chúng sanh, giác liễu tư nghĩa. Vô linh tâm ma, tự khởi thâm nghiệt. Bảo trì phúc hộ, tiêu tức tà kiến.
Việt dịch: Sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên đem lời dạy của Như Lai truyền bá trong đời mạt pháp, khiến cho tất cả chúng sinh hiểu rõ nghĩa này. Đừng để cho tâm ma tự gây những tội chướng sâu nặng. Giữ gìn che chở cho chúng sanh tiêu trừ tà kiến.
Giảng: Sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên đem lời dạy của Như Lai truyền bá trong đời mạt pháp, khiến cho tất cả chúng sinh hiểu rõ nghĩa này.
Sau khi Như Lai nhập niết-bàn . Trong tương lai A-nan và quý vị trong Tăng đoàn nên truyền bá lời dạy này của Như Lai. Những lời Như Lai đã giảng nói. Chỉ bày và giáo hóa cho chúng sinh trong đời mạt pháp được hiểu rõ nghĩa chân thực này. Quý vị nên chỉ bày cho toàn thể chúng sinh hiểu được những đạo lý này.
Đừng để cho tâm ma tự gây những tội chướng sâu nặng. Giữ gìn che chở cho chúng sanh tiêu trừ tà kiến.
Đừng để cho tà ma sinh khởi trong tâm, gây nên những tội chướng sâu nặng. Đừng để cho mọi loài chúng sinh tạo nên nghiệp xấu. Bảo hộ che chở cho chúng sanh tiêu trừ tà kiến. Hộ trì Phật pháp, tiêu trừ tà kiến.
Kinh Văn: Giáo kì thân tâm, khai giác chân nghĩa. Ư vô thượng đạo, bất tao chi kì. Vật linh tâm kì, đắc thiểu vi túc. Tác đại giác vương, thanh tịnh tiêu chỉ.
Việt dịch: Dạy cho họ giác ngộ đạo nghĩa chân thật. Nơi đạo vô thượng, không lạc vào đường tẻ. Đừng để cho chúng sinh hài ỉòng với chút ít hiểu biết rồi tự cho là đủ. Phải làm mẫu mực thanh tịnh của bậc Đại giác vương.
Giảng: Dạy cho họ giác ngộ đạo nghĩa chân thật. Dạy cho chúng sinh giác ngộ nghĩa sâu rộng chân thật của đạo Vô Thượng, giúp cho thân và tâm chúng sinh trong đời mạt pháp hiểu được giáo lý chân thật tối thượng.
Nơi đạo vô thượng, không lạc vào đường tẻ. Giúp cho chúng sinh không lạc vào đường tẻ. Đừng để cho chúng sinh đuổi theo các giáo pháp nông cạn thô thiển, mà không ham thích giáo pháp căn bản. Đừng để cho chúng sinh khi gặp phải những con đường tẻ thì hoang mang không biết đi đường nào.
Đừng để cho chứng sinh hài lòng vói chút ít hiểu biết rồi tư cho là đủ. Đừng để cho chúng sinh khao khát đạo giác ngộ Vô thượng mà trở thành tự mãn, hài lòng với chút ít sở
đắc trong công phu.
Làm mẫu mực thanh tịnh của bậc Đại giác vương. Các ông nên tự biến mình thành bậc Đại giác vương, làm mẫu mực khuôn phép cho giáo nghĩa thanh tịnh. Tức thời biến mình thành bậc chúa tể trong đạo giải thoát, làm vị lãnh tụ mẫu mực, mô phạm thanh tịnh, không chấp nhận được chút ít sở đắc trong công phu tu tập là đủ. Một bề hướng thượng tinh tấn tu tập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét